Về trang chủ Chưa được phân loại Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài

Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài

Chương trình được thiết kế theo 3 trình độ, 6 bậc, lần lượt từ thấp đến cao từ bậc 1 đến bậc 6.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 28/2018/TT-BGDĐT quy định Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm góp phần giữ gìn, phát triển, quảng bá tiếng Việt và bản sắc văn hóa của người Việt Nam, giữ gìn và phát triển tinh thần hướng về quê hương, đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đó, chương trình được ban hành để tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình được thiết kế theo 3 trình độ, 6 bậc, lần lượt từ thấp đến cao từ bậc 1 đến bậc 6. Thời lượng của mỗi bậc là 220 giờ. Tổng thời lượng thực hiện chương trình là 1320 giờ.

Một lớp học của trẻ em người Việt ở nước ngoài.

Mỗi bậc gồm một số mô đun (nhóm bài học). Mỗi mô đun gồm 4 bài học tập hợp theo chủ đề và một bài ôn tập, kiểm tra đánh giá. Thời lượng cho mỗi nhóm bài học tuỳ thuộc nội dung từng chủ đề. Chương trình chú trọng rèn luyện 4 kỹ năng, trong đó ưu tiên hơn cho kỹ năng nói và kỹ năng nghe.

Thời gian thực hiện dạy – học ở mỗi bậc không tính theo tuần, tháng, năm mà tính theo số giờ. Tùy theo từng đơn vị đào tạo cụ thể, có thể học từ 2 đến 5 buổi một tuần, mỗi buổi có thể học từ 3 đến 5 giờ.

Các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết được giảng dạy riêng biệt hoặc được tích hợp tùy theo nhu cầu và mục đích học tập trong từng trường hợp cụ thể. Trong kiểm tra, đánh giá sẽ chú ý đến hình thức kiểm tra, đánh giá kỹ năng ngôn ngữ. Hình thức đánh giá gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục trong suốt quá trình học tập thông qua bài tập về nhà, trả lời câu hỏi, bài kiểm tra trên lớp và thảo luận nhóm.

Việc kiểm tra đánh giá thường xuyên khuyến khích người học điều chỉnh nhận thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của họ, giúp người dạy đánh giá kết quả học tập của học viên, mục tiêu của khóa học, và điều chỉnh việc dạy học của mình cho phù hợp. Người dạy phải cung cấp thông tin đánh giá cho người học một cách thường xuyên.

Đánh giá định kỳ là hình thức kiểm tra kết thúc học phần hoặc kỳ thi cuối cùng theo truyền thống, để đánh giá toàn diện toàn bộ khóa học, xác định người được kiểm tra đánh giá có trình độ phù hợp để học ở một lớp học, khóa học cao hơn hay học đại học bằng tiếng Việt hay không. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 11/1/2019.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng: Sinh viên nên bớt sống ảo, tham gia tích cực các hoạt động có ích

Đường lên đỉnh Olympia 2018: Bộ GD&ĐT tuyên dương nhà vô địch

Thời 4.0: Nhà tuyển dụng cần kỹ năng nào của ứng viên ?

Thời đại 4.0: 86% lao động dệt may-giày dép có nguy cơ mất việc

Có thể bạn quan tâm