Chia sẻ tại một buổi lễ ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản (BĐS) thông minh mới đây, ông Dương Công Minh -Chủ tịch HĐQT Sacombank, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, khoe: Him Lam làm khoảng 75 dự án, người mua nhà của Him Lam lúc nào muốn bán lại đều có lãi.
“Chúng tôi làm tất cả các phân khúc từ nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp đến nhà thương mại giá cao, tất cả đều yêu cầu chất lượng phải đồng nhất…” -ông nói. Song, ông Dương Công Minh lại dành hết lời ca ngợi và ngưỡng mộ Vingroup.
“Chúng ta đang có một doanh nghiệp siêu lớn là Vingroup, người tạo nên những sản phẩm thị trường chưa từng có, như các tiểu thành phố. Chúng tôi, Him Lam, Novaland hay cả HD Mon Holding… cũng đều muốn được như Vingroup, tạo ra những khu đô thị kiểu thành phố.
Và Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 ở Việt Nam làm theo Vingroup, tức là tạo ra những mô hình khu đô thị hoàn chỉnh vài trăm hécta, Him Lam sẽ làm ở Hà Nội và TP.HCM” -ông Minh khẳng định.
Tiếp lời, ông Minh nói: “Tất cả chúng ta đều phải học Vingroup, chứ không nên học Him Lam, Novaland, vì dù sản phẩm của chúng tôi tốt, nhưng không tạo ra được những sản phẩm bất động sản hoàn thiện về mặt xã hội như Vingroup.
Sungroup mới vào thị trường, Sunshine Group không thể sánh được với Novaland, Him Lam được; nhưng Him Lam, Novaland lại không thể sánh với Vingroup được.
Anh Vượng là một người đặc biệt, tạo ra những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần. Tạo nên những sản phẩm như thế thì cần phải có… gan to, thứ hai là nhiều tiền. Tiền thì anh Vượng huy động dễ lắm, nhưng phải có gan to, tầm nhìn rộng và dám làm.
Anh Vượng lúc nào cũng đi đầu… Vingroup có Vincity thì Him Lam sẽ có Him Lam City, hay Novaland sẽ có Novaland City… như thế sẽ tạo cho thị trường nhiều sản phẩm tốt nhất” -ông Minh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, khi đánh giá về thị trường BĐS, cựu Chủ tịch HĐQT Him Lam cho rằng, thị trường BĐS ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng lúc nào cũng đi lên – đi ngang – đi lên rồi đi ngang….
Theo ông, do chính sách quản lý của nhà nước tạo ra thị trường như thế. Còn các thị trường các tỉnh thì ăn theo 3 thị trường lớn này, cũng đi lên-đi ngang nhưng ở mức độ thấp hơn, biên độ thấp hơn.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch HD Mon Holdings tin rằng, với dân số Việt Nam hơn 90 triệu người thì nhu cầu nhà ở rất lớn. Với những sản phẩm hiện đang cung cấp trên thị trường, ông Tuấn cho rằng thực sự còn rất thiếu. “Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, 5-10 năm nữa thị trường BĐS vẫn phát triển đi lên, khó dừng được” -ông Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đức Thành -Viện trưởng Viên nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá: Thị trường BĐS rất quan trọng trong nền kinh tế bởi nó đỡ toàn bộ nguồn vốn tín dụng, từ đó hệ thống tiền tệ vào trong nền kinh tế.
Vì thế, khi BĐS tăng có sự hưng phấn không quá mức, không bị bong bóng, tăng vững chắc thì đỡ cho nền kinh tế rất lạc quan, tài sản đó được sử dụng làm thế chấp vì thế nó là bệ dẫn rất lớn cho nguồn vốn tín dụng.
Nhưng khi BĐS giảm giá, đóng băng thì sẽ rất mệt bởi khi đó tín dụng đóng băng, sau đó các ngành kinh tế, phi BĐS cũng sẽ chết theo.
Bản thân BĐS là ngành mà khi nhìn vào kinh tế phát triển tốt thì BĐS tốt, chính sách của kinh tế vĩ mô cũng rất chú trọng tới BĐS vì không muốn để BĐS đi xuống-đóng băng mà phải duy trì phát triển ổn định.
Theo ông Thành, sự hồi phục của kinh tế vĩ mô tương đối vững chắc, điều này giúp thị trường BĐS cũng như các thị trường tài sản khác, trong đó có thị trường chứng khoán… nguyên tắc gia tốc sẽ xuất hiện nên thị trường BĐS sẽ có cơ sở tốc độ phát triển có thể tăng hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo MSN-Infonet
Việt Nam-Hàn Quốc: Thi ý tưởng sáng tạo cho thành phố thông minh
Quốc Cường Gia Lai: TP.HCM chỉ đạo làm rõ sai phạm tại chung cư ở quận 7
Akari City, The Pagasuite 2, Centa Park: Vẽ hoành tráng, thu tiền khách hàng xong đắp chiếu