Về trang chủ Chưa được phân loại TP.HCM hạn chế người nhập cư: Giải pháp nào phù hợp ?

TP.HCM hạn chế người nhập cư: Giải pháp nào phù hợp ?

Cứ 5,5 năm, dân số TP.HCM tăng 1 triệu người. Dự báo 5 năm tới, dân số thành phố sẽ đạt 13 triệu người. TP.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường do tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh.

Nâng điều kiện về chỗ ở khi nhập hộ khẩu
Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình kiến nghị: Diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn là 20m2 sàn/người. Ông Trần Trọng Tuấn -Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Tiêu chuẩn 20m2 sàn nhà ở/người cũng là chỉ tiêu về nhà ở trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020.

Người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú vào TP.HCM phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chỗ ở trên. Quy định này cũng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người dân, cũng không áp dụng với người tạm trú có thời hạn hay ở trọ.

Việc tăng dân số lên quá nhanh đã làm hạ tầng các đô thị lớn quá tải, gây nên nhiều hệ lụy.

Cũng theo ông Tuấn, nếu tiêu chuẩn này được ban hành chỉ áp dụng cho trường hợp nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ, thuê, mượn, không áp dụng cho những trường hợp đăng ký hộ khẩu vào nhà thuộc sở hữu, nhập hộ khẩu theo thân nhân.

Việc Sở Xây dựng nâng mức tiêu chuẩn về nhà ở để đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn Thành phố nhằm điều chỉnh cho phù hợp giữa số dân và hạ tầng kỹ thuật. Việc này giúp tránh trường hợp nhà 50m2 trong các quận trung tâm Thành phố đăng ký hộ khẩu ở nhờ đến 50 người.

Từ năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp bàn rất nhiều lần với 24 quận, huyện, các sở, ngành liên quan để đi đến thống nhất đề xuất mức diện tích sàn nhà ở bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người; Đồng thời diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của TP.HCM theo từng thời kỳ.

TS.Trần Đình Thiên -Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra nhiều giải pháp để TP.HCM trở thành một đầu tàu thực sự của VN. Trong đó, ông đề cập đến việc phải có giải pháp kinh tế ngăn chặn dòng người ồ ạt di cư vào thành phố một cách vô điều kiện, đặc biệt là lao động trình độ thấp, tránh quá tải dân số và tránh xu hướng nông thôn hóa. Dân số gắn với dân cư qua việc phân bố dân cư theo nghề, theo tuyến phát triển, bảo đảm trình độ văn hóa, văn minh tương xứng với mục tiêu phát triển.

Giải pháp hành chính sẽ kém khả thi ?
Theo các chuyên gia, việc hạn chế tập trung quá đông dân vào các đô thị lớn là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị. Bởi vì trong thực tế, việc đăng ký thường trú và chỗ ở của người dân hoàn toàn khác nhau.

Theo ông Võ Kim Cương -nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM: “Nâng diện tích nhà ở tối thiểu là một biện pháp để siết việc nhập hộ khẩu vào TP.HCM, nhưng việc này có thể làm mất lòng dân. Một đô thị có nhiều cơ hội sẽ thu hút người nhập cư, đó là quy luật tất yếu. Nhiệm vụ của chính quyền là có những chính sách tận dụng được nguồn lực ấy, đi kèm giải quyết quyền lợi cơ bản cho họ như chỗ ở, việc làm, học tập”.

Theo TS.Trần Đình Thiên thì nên quy hoạch chức năng từng khu đô thị ngay từ đầu. Ông Thiên lấy ví dụ về 2 hình ảnh đối lập: 1/Khu đô thị Phú Mỹ Hưng-Q.7 xác định xây dựng đô thị hiện đại, đẳng cấp cao, không gây ra làn sóng nhập cư ồ ạt lao động trình độ thấp, kéo theo đó là tình trạng quá tải dân số chất lượng thấp; 2/ Khu phố Tây-Q.1, nơi dễ dãi cho phép nhập cư và sinh sống để thu lợi ngắn hạn nhưng trả giá dài hạn, chân dung văn minh đô thị nhếch nhác, hạ cấp.

Theo TS.Trương Huy Mai, hiện Việt Nam là một trong số rất ít nước còn dùng hộ khẩu để quản lý con người. Đa số các nước dùng hộ chiếu, người dân muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Siết điều kiện nhập hộ khẩu vào đô thị lớn đều là đi ngược lại xu hướng quản lý hiện đại.

Trên thực tế, người dân nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú, mà họ đến TP.HCM và ở lại vì họ tìm được việc làm, tìm được cơ hội khởi nghiệp, cơ hội tiến thân. Họ chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác. Do đó, việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu vào thành phố không hẳn ngăn được dòng người nhập cư từ các tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị cùng với số lượng người nhập cư đổ về các thành phố ngày càng lớn đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền đô thị như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, thiếu nhà ở… Vì vậy, phải nhìn nhận rằng, không một nhà quản lý nào lại hào hứng đón nhận số dân nhập cư ngày càng gia tăng.
Phan Đại Hữu

Vietjet: Lần thứ hai cảnh báo giả, máy bay trở về Tân Sơn Nhất

Nông nghiệp 4.0: Từ nhận biết đến ứng dụng

Khánh Hòa: Xây hồ chứa nước trên cao tiềm ẩn tai họa khôn lường

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Con dấu chữ ký của Trưởng đoàn giám sát không có giá trị

Có thể bạn quan tâm