Về trang chủ Chưa được phân loại Xuất khẩu cá tra: Lạc quan tăng trưởng nhưng cẩn trọng với những ẩn số

Xuất khẩu cá tra: Lạc quan tăng trưởng nhưng cẩn trọng với những ẩn số

Xuất khẩu (XK) cá tra tăng vọt, cơ cấu thị trường thay đổi… là dấu hiệu cảnh báo cần phải cẩn trọng để không vấp phải bài học cũ.

Cơ hội kép giúp cá tra đột phá
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản tính đến cuối tháng 10/2018 đạt 7,2 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK cá tra tháng 10 tiếp tục tăng mạnh 54%, đạt 255 triệu USD, đưa tổng kim ngạch XK 10 tháng đầu năm lên trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP nhận định: Giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nguồn cung thiếu là những yếu tố khiến giá trung bình xuất khẩu và kim ngạch tăng. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Dự báo cả năm nay, XK cá tra sẽ đạt trên 2,2 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2017.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam đã thay đổi, đứng đầu là Trung Quốc với 23%, tiếp theo là Mỹ 19,3%, EU 11,4%, Asean 8%… (số liệu năm 2017).

Điều đầu tiên giúp XK cá tra đột phá là Mỹ đã công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ. Đây là một trong những thị trường quan trọng, sản phẩm cá tra của Việt Nam đang gặp thuận lợi nhờ được giảm thuế chống bán phá giá.

Thứ hai là thời gian gần đây ở thị trường EU, một số loài cá thịt trắng khác bị mất mùa nên cá tra được lựa chọn là sản phẩm thay thế. Điều này đã giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang EU phục hồi. Cá tra của Việt Nam được đánh giá có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với một số loài cá thịt trắng khác như cá cod, cá lưỡi trâu, cá haddock, cá minh thái….

Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh của ngành cá tra lần này nhờ phần lớn từ Trung Quốc. Kim ngạch XK vào thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) trong năm 2017 đạt 410 triệu USD, tăng 35% so với năm 2016. Sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK vào thị trường này tăng trên 45%, và chiếm 25% tổng kim ngạch XK cá tra. Mỹ đứng thứ hai với tỷ lệ tăng 19,6%, khối EU đứng thứ 3 với tỷ lệ tăng 11,7%, và khu vực ASEAN đứng thứ 4 với tỷ lệ tăng 9,3%.

Nhận định về tiềm năng của XK cá tra, ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký VASEP, cho biết: Hiện một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh XK bằng cách phát triển sản phẩm mới, tăng sản phẩm có giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, do nguồn cung cá tra hạn chế nên giá bán một số sản phẩm cá tra cũng tăng lên đáng kể.

Giải pháp then chốt để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu.

Ẩn số còn ở phía trước
Theo các chuyên gia, bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc thị trường đều có thể gây ra những khó khăn, bất lợi và cả những yếu tố thuận lợi mới cho ngành. Với sự dịch chuyển từ thị trường EU sang Mỹ trong các năm 2010-2012, ngành cá tra trải qua biến động hết sức lớn.

Sự hào hứng với thị trường mới (Mỹ) đã thúc đẩy việc gia tăng sản lượng, nhưng những vụ kiện chống bán phá giá đi kèm ngay sau đó đã tác động mạnh đến giá cá trong nước, và điều chỉnh giảm sản lượng trong các năm tiếp theo. Lần này ở thị trường Trung Quốc cũng đang manh nha những biểu hiện tương tự: XK tăng, giá cá tăng, sản lượng cũng tăng vọt.

Trong giai đoạn 20 năm 2004-2014, EU luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của ngành cá tra Việt Nam. XK cá tra sang EU luôn đứng ở vị trí số 1 trong cơ cấu các thị trường XK của ngành hàng này.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, XK cá tra sang EU liên tục sụt giảm và hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí, trong vài tháng đầu năm 2018, còn tụt xuống vị trí thứ 4 sau cả thị trường ASEAN.

Ngoài ra, chính sự thành công vượt bậc của cá tra Việt Nam tại EU, mà truyền thông một số nước ở khu vực này đã đưa nhiều thông tin không trung thực nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ bệ cá tra.

Việc 100% container hàng hải sản XK sang EU bị kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian và tốn chi phí. Một rủi ro nữa là các thị trường khác có thể áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn, như Mỹ đang áp dụng chương trình SIMP chống khai thác IUU từ 1/1/2018.

Ứng phó với tình hình sắp tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho ý kiến chỉ đạo: Một trong những giải pháp then chốt hiện nay để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường XK.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục cải thiện chất lượng con giống; Tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Xử lý kịp thời các rào cản thương mại, kỹ thuật cho sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa. Đồng thời chuẩn bị giải pháp ứng phó với khả năng cạnh tranh từ một số quốc gia sản xuất cá tra.
Phan Bình Định -Langmoi.vn

Gạo Việt Nam: Thay đổi để định danh trên thị trường thế giới

Vụ kim khâu trong trái dâu tây ở Úc: Táo, chuối, xoài cũng bị gài kim nhọn

Nhật Bản: Bắt nhóm thực tập sinh Việt chuyên trộm cắp mỹ phẩm

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm tai tiếng: Cần phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, xử lý

Có thể bạn quan tâm