Về trang chủ Chưa được phân loại Sở hữu trí tuệ: Chuẩn hóa hệ thống luật pháp để thực hiện cam kết quốc tế

Sở hữu trí tuệ: Chuẩn hóa hệ thống luật pháp để thực hiện cam kết quốc tế

Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Thực tế bất cập
Để siết chặt và quản lý mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhiều chuyên gia góp ý cần thực hiện xử lý hình sự với các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Về vấn đề này ông Nguyễn Phương Minh- đại diện Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hàng năm, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thường có báo cáo để xác định các rào cản thương mại tại các quốc gia khác đối với các công ty và sản phẩm của Hoa Kỳ theo quy định của Luật SHTT về bản quyền, sáng chế và nhãn hiệu….

Cán bộ quản lý thị trường đang tiến hành kiểm tra hành vi vi phạm “sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc” tại một siêu thị ở TP.HCM.

Theo báo cáo năm 2017 của USTR, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi: Vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo trực tuyến vẫn phổ biến; Hàng giả, bao gồm hàng giả chất lượng cao vẫn tồn tại trên thị trường, mặc dù các cơ quan thực thi đã rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn các vụ việc vẫn chỉ xử lý hành chính. Vấn đề xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn triển khai ở mức độ hạn chế. Trong khi đó, thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trên thực tế, nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippines… đều thiết lập một hệ thống tòa án mang tính chuyên trách về bảo hộ quyền SHTT. Ông Nguyễn Phương Minh đề xuất: “Cần thiết lập một thể chế mang tính chuyên nghiệp nằm trong hệ thống toà án nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử, thúc đẩy giải quyết của các toà án Việt Nam trong lĩnh vực xử lý các vụ việc như nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, bản quyền… có tính chất SHTT”.

Ngành tòa án nhập cuộc
Đầu tháng 10/2018, Tòa án NDTC đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xét xử vụ án hình sự xâm phạm quyền SHTT. Tham dự có đại diện Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Luật gia Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về xét xử vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ô.Trần Văn Cò -Thẩm phán Tòa án NDTC cho biết: Bảo vệ quyền SHTT không chỉ là mối quan tâm của từng quốc gia, khu vực mà là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Với vai trò là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền SHTT, điển hình như:

Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm; Công ước Brúc-xen về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rôm về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Hiệp định Tríp về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định song phương Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ thương mại trong đó có nhiều nội dung thỏa thuận về quyền SHTT.

Để thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã và đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ quyền SHTT. BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 đã bổ sung một số nội dung mới về quyền SHTT.

Để triển khai thi hành Bộ luật này, Tòa án NDTC đang nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án NDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội xâm phạm quyền SHTT; Chuẩn bị tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án hình sự cho các thẩm phán, thẩm tra viên, công chức tòa án về các tội xâm phạm quyền SHTT.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền lợi chính mình
Liên quan đến công tác chống hàng giả hàng nhái hiện nay, ông Nguyễn Văn Bách – đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp (DN) -chủ sở hữu quyền SHTT trong thực thi là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật.

DN không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Các DN phải xác định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền SHTT nói chung là một quyền được nhà nước bảo hộ và đây là loại tài sản vô hình. Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu được bảo hộ có giá trị to lớn đối với DN và với một số DN, giá trị nhãn hiệu thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình.

Do đó, phải tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào chống hàng giả, xâm phạm SHTT; Phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; Có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhanh chóng, hiện đại; Đáp ứng nhu cầu và tạo niềm tin cho đại đa số người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên thị trường.

Các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính có trách nhiệm đối với xã hội, đối với bộ phận người tiêu dùng cần bỏ kinh phí để thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả; Có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Đài Loan: Bắt quả tang lao động Việt Nam giết và ăn thịt nhiều con chó lạc

New Sài Gòn: Chủ đầu tư bị đề xuất phạt 125 triệu và phải bàn giao quỹ bảo trì ngay, nếu không sẽ bị cưỡng chế

An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Trò PR bẩn và hệ quả còn lại

Có thể bạn quan tâm