Về trang chủ Chưa được phân loại Sản xuất lớn: Để nông sản “made in Vietnam” được định danh trên thị trường thế giới

Sản xuất lớn: Để nông sản “made in Vietnam” được định danh trên thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng thực tế đáng buồn là tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc gần như vắng bóng, thương nhân Trung Quốc sau khi nhập gạo của Việt Nam về sẽ đóng bao với thương hiệu của họ. Chuyện không chỉ xảy ra ở Trung Quốc.

Nỗi buồn hạt gạo vô danh
Ông Phạm Minh Hùng -Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện phía Nam cho biết: Việt Nam đang nằm ở top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã có mặt tại gần 150 thị trường nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần này (Long An, ngày 18-24/12), Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ công bố Logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Để có thể tạo nên thương hiệu “made in Vietnam” trên thị trường thế giới, phải tổ chức sản xuất quy mô lớn, trong đó điều kiện cần đầu tiên là phải có ruộng đất diện tích lớn.

Việc ra mắt Logo Thương hiệu gạo Việt Nam có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ cho hoạt động quảng bá, phát triển thị trường cho hạt gạo Việt Nam, giúp gạo Việt có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Logo còn là chất xúc tác để các doanh nghiệp (DN), người nông dân nỗ lực đầu tư cho chất lượng hạt gạo, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.

Trả lời trên báo chí, PGS.TS Dương Văn Chín -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, CTCP BVTV An Giang, nêu thực trạng: DN đi mua lúa gạo trôi nổi, không rõ nguồn gốc rồi trộn nhiều giống với nhau, cạnh tranh trên thế giới bằng giá thấp để có được hợp đồng cung cấp gạo. DN không có vùng nguyên liệu, không trồng những giống lúa đặc sắc của riêng mình nên gạo Việt không có thương hiệu là vì vậy.

Ông Nguyễn Công Bình -Giám đốc DN tư nhân Công Bình (Long An) cho rằng: Việt Nam xuất khẩu chạy theo số lượng, cứ bán được nhiều là mừng. Muốn xây dựng thương hiệu gạo, cần hoàn thiện mô hình cánh đồng lớn để tạo vùng nguyên liệu sạch cho xuất khẩu. Công Bình đã xuất đi trên 10 nước Âu, Mỹ, Á….nhưng gạo thương hiệu chỉ chiếm 5%, đó đã là sự phấn đấu rất lớn.

Tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tế sản xuất
“Muôn hình muôn vẻ” -đó là mô tả của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh về thực trạng tích tụ đất đai đã và đang diễn ra.

Hà Nam là một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền Bắc về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã quy hoạch bốn khu nông nghiệp ứng dụng mô hình này với tổng diện tích 500ha, tiêu biểu như của: CTCP An Phú Hưng (liên doanh với Nhật Bản), Công ty Vineco (Vingroup), CTCP Hà Nam….

Riêng dự án của Vineco đã tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty này còn khảo sát gần 100 hộ, nhóm hộ tích tụ từ 1ha đất trở lên với tổng diện tích hơn 200ha để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại tập trung như trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, trồng chuối tiêu hồng ở huyện Yên Lạc, trồng dược liệu tại Tam Đảo, trồng cỏ nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường….
Tại Nghệ An đã có hơn 720 mô hình sản xuất hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn, gần 358.000 hộ gia đình tham gia dồn điền, 91.000ha đất nông nghiệp đủ điều kiện sản xuất tập trung.

Hà Nội đã dồn điền, đổi thửa được hơn 78.000ha (đạt 102,8% kế hoạch). Giá trị nông sản đạt khoảng 240 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 6 lần so với trước khi dồn điền, đổi thửa.

Nam Định xuất hiện hàng trăm trang trại với hơn 2.300ha đất sử dụng tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng.

Phải để thị trường đất đai hoạt động
Theo ông Phan Văn Sương -Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn-An Giang, thì việc tích tụ ruộng đất là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chủ trương cụ thể về việc thuê, mua, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Cần hỗ trợ người đầu tư tích tụ ruộng đất theo đúng chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Ngô Mạnh Ngọc -Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, kiến nghị: “Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Nếu để DN thỏa thuận với các hộ dân thuê đất đầu tư phát triển như quy định của Luật sẽ rất khó thực hiện”.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn -Trưởng nhóm khảo sát về tình hình chuyển nhượng-tích tụ đất đai, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT, phân tích: “Nhà nước cần có cơ chế, quy định pháp lý rõ ràng để người dân yên tâm chuyển nhượng hoặc cho DN thuê mà không bị lo mất tài sản cũng như những thiệt thòi khác. Còn DN yên tâm khi thuê đất lâu dài, được bảo đảm về tài sản khi đầu tư trên khu đất đó, có thủ tục pháp lý chắc chắn, tránh tình trạng đổ vỡ hợp đồng”.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn -Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá: “Đất đai là khâu đầu tiên trong đột phá phát triển nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, nền nông nghiệp có chức năng mới, đó là nền kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng khoa học công nghệ, thu hút DN làm chuỗi.

Để làm được điều này, phải để thị trường đất đai hoạt động. Do đó, cần điều chỉnh theo hướng xóa bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch. Ngoài ra, cần có dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng, thúc đẩy cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Điều chỉnh vấn đề định giá đất, thủ tục giao dịch, thẩm định”.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Gạo Việt Nam: Sẽ không còn vô danh trên thị trường quốc tế

Vụ đổi 100USD-phạt 90 triệu: Phó chủ tịch Cần Thơ giải thích quyết định trả lại kim cương

Sân bay Tân Sơn Nhất: 2 nữ tiếp viên hàng không đánh nhau kịch tính như phim

Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby

Có thể bạn quan tâm