Về trang chủ Chưa được phân loại Gạo Việt Nam: Sẽ không còn vô danh trên thị trường quốc tế

Gạo Việt Nam: Sẽ không còn vô danh trên thị trường quốc tế

Lễ công bố thương hiệu gạo Việt Nam sẽ diễn ra tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 3, được tổ chức Long An từ ngày 18-24/12/2018. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo “Festival Lúa gạo Việt Nam – Lần III – Long An, năm 2018 và Lễ Công bố LOGO Thương hiệu Gạo Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 6/11 tại TP.HCM.

Có tên mà vẫn vô danh
Theo Tienphong, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã có gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen Bảy Núi (An Giang), gạo Nàng Thơm Chợ Ðào (Long An)… với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường.

Tuy nhiên, nghịch lý là các giống này chưa được thế giới biết đến bởi vẫn chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý ví dụ như “gạo Việt Nam”, “gạo ĐBSCL”, “gạo thơm Sóc Trăng”… Thiếu chỉ dẫn địa lý, một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu thì gạo Việt khó lòng có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Gạo Việt Nam đã được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng mọi người không biết đó là gạo có xuất xứ từ Việt nam.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Anh Dũng -Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I, cho biết rất khả quan, bởi từ khi NĐ 107 quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, vừa có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 đã cởi trói rất nhiều ràng buộc đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí người nông dân, hợp tác xã kinh doanh lúa gạo cũng có thể xuất khẩu gạo.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; Đến giữa tháng 9/2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 4,8%.

Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, tăng dần từ gạo trắng có chất lượng trung bình thấp sang gạo trắng có chất lượng trung bình cao. 8 tháng đầu năm2018, gạo chất chất lượng thấp chỉ chiến 2,07% trong tổng lượng gạo xuất khẩu; Trong khi gạo trắng chất lượng cao chiếm 42,46%, gạo thơm chiếm 33,24%…. Tình hình xuất khẩu gạo năm 2018 rất khả quan so với năm 2017, giá cũng đạt cao hơn Thái Lan.

Việt Nam đã có nhiều loại gạo thơm ngon và nổi tiếng: Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen Bảy Núi (An Giang), gạo Nàng Thơm Chợ Ðào (Long An)….

Do vậy, logo thương hiệu gạo Việt Nam là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó… mà còn bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm (giống), kỹ thuật sản xuất (điều kiện sinh thái, canh tác, chế biến, đóng gói), sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng… Đây chính là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.

Ra mắt thương hiệu gạo Việt
Ngày 6/11/2018, tại buổi họp báo Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết: Lần đầu tiên Việt Nam công bố logo thương hiệu gạo. Đây là điều rất đáng mừng bởi gạo Việt đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, nhưng vẫn vô danh trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Minh Hùng -Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện Hội Nông dân tại phía Nam cho biết, Việt Nam đang nằm ở top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã có mặt tại gần 150 thị trường nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ công bố cho ra mắt logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo Baomoi, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm các thủ tục đăng ký quốc tế cho thương hiệu gạo Việt Nam. Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế cũng đã cấp mã số 1425573 cho thương hiệu gạo Việt Nam. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bổ sung các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của hệ thống Madrid để đăng ký bảo hộ toàn cầu cho thương hiệu gạo Việt Nam.

Tại lễ công bố Logo Thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ công bố quy chế sử dụng logo, bao gồm những loại gạo được gắn logo, quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân, mức phí…

Việc ra mắt Logo Thương hiệu gạo Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với ngành lúa gạo. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động quảng bá, phát triển thị trường cho hạt gạo Việt Nam, giúp gạo Việt có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, logo còn là chất xúc tác để các doanh nghiệp, người nông dân nỗ lực đầu tư cho chất lượng hạt gạo, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.

Lễ công bố thương hiệu gạo Việt Nam sẽ diễn ra tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 3, được tổ chức Long An từ ngày 18-24/12. Trong khuôn khổ Festival sẽ có nhiều sự kiện diễn ra như triển lãm với chủ đề “Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”; Triển lãm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản, chế biến lúa gạo, các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp.
Ngọc Chămpa

Thị trường Trung Quốc: Cơ hội lớn cho nông-thủy sản Việt Nam

Vốn tín dụng cho HTX: Trên mở dưới đóng

Ninh Thuận: Tháp Chàm huyền bí với loài cây tình yêu

Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby

Có thể bạn quan tâm