Theo nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Phạm Nhật Vũ bị cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội đưa hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Trưa 13-4-2019, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
Khởi tố 4 bị can tội nhận hối lộ
Cơ quan điều tra cũng quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng là nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông và Lê Nam Trà (nguyên chủ tịch hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Võ Văn Mạnh, giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đối với các bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 23-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông và ông Trương Minh Tuấn – cựu bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015. Cùng ngày, cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nhà của 2 ông này.
Vết đen thương vụ MobiFone
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, ngày 10-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự 2015, xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin – truyền thông và các đơn vị liên quan.
Cùng với quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra cũng khởi tố 2 bị can Lê Nam Trà – nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ văn phòng Bộ Thông tin – truyền thông và Phạm Đình Trọng – vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin – truyền thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo kết luận thanh tra, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ Thông tin – truyền thông phê duyệt dự án đầu tư…
Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin – truyền thông phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh. Mobifone đã lập và trình Bộ Thông tin – truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.
Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.
Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỷ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Bộ Thông tin – truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.
Quyết định số 236/2015 của Bộ Thông tin – truyền thông phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.
Thanh tra Chính phủ khẳng định dự án đầu tư này chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ Thông tin – truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone là vi phạm Luật đầu tư, vi phạm quy định của Chính phủ.
Theo TTO
Nữ quái đưa chồng hờ vào tù: Tòa trả hồ sơ, đoạn băng ghi âm và cái bào thai lạc chủ
Phúc XO: Nhân vật nổi tiếng nhờ đeo nhiều vàng tiết lộ bí mật đó là vàng giả
Gái 2 con nhảy cầu ở Hải Phòng: Gia đình cúng vong, Facebook nói cô còn sống
Masan: Tương ớt chứa chất cấm bị Nhật thu hồi là sản phẩm dành riêng cho người Việt ?