Để tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới, ngành chăn nuôi phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất, công nghệ quản lý hiện đại nhất theo quy chuẩn nông nghiệp 4.0.
Thái Dương và đàn nái 120.000 con
Ông Andrew Brow -Chuyên gia tư vấn của Globalg GAP, cho biết: Công ty Thái Dương – JSC SunGroup đã được chọn trong chương trình hợp tác giữa Tổ chức năng suất châu Á và Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam thuộc Bộ Khoa học công nghệ. SunGroup đầu tư 1.200 tỷ đồng xây trang trại nuôi heo, đàn nái 120.000 con, áp dụng công nghệ quản lý nông nghiệp 4.0.
Chuồng trại: Công nghệ điều hòa không khí farmonline, công nghệ xử lý môi trường, dàn mưa, bể sục khí, hồ sinh học…. Dữ liệu được thu về Big data, máy sẽ phân tích để giải quyết mọi vấn đề kịp thời nhất qua smarphone. Hệ thống online gửi thông tin liên tục từ sever.
Con giống: Quản lý giá trị huyết thống, giá trị Index, chương trình vacxin, là cơ sở truy xuất nguồn gốc, để sau này biết được ông bà cụ kỵ của nó là ai. Truy xuất lý lịch con lợn bằng hệ thống điện tử như của con người.
Sinh sản: Chuồng dưỡng thai của nái sau khi phối giống 30 ngày sẽ cho vào chuồng nuôi tập thể để lợn đi lại thoải mái cho đôi chân thật khỏe. Trước khi đẻ 15 ngày, lợn được đưa từ chuồng tập thể lên chuồng riêng để sưởi ấm cho lợn con, nhất là thời điểm mùa đông. Kiểm soát tốc độ gió, độ ẩm, nhiệt độ sinh trưởng tốt với lợn đang mang bầu. Hệ thống bơm sữa cho lợn con sau khi sinh, cai sữa sau 24 ngày đạt 24-25 kg.
Thức ăn: Cao nấm men cung cấp protetin, vitamin nhóm B và khoáng hữu cơ, vừa là chế phẩm probiotic giúp nâng cao sức khỏe và khả năng tiêu hóa, thay thế hoàn toàn kháng sinh. Công nghệ này thích hợp với Việt Nam, vì thức ăn cho lợn 100 % đều từ ngũ cốc, nếu ăn tươi được sẽ giảm chi phí rất nhiều, giúp giảm giá thành 20-30%. Cho ăn bằng máy tiết kiệm thức ăn 10%.
Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính
Tập đoàn Việt-Úc đầu tư Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao (ấp Giồng Nhãn, X.Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu) trên tổng diện tích 315ha, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao bao gồm khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Đây là dự án có quy mô lớn, nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu, sử dụng hơn 2.000 lao động địa phương. Sản lượng dự kiến đạt trung bình 120 – 300 tấn/ha/năm với mật độ thả 500 con giống/m2.
Tập đoàn Việt-Úc luôn chú trọng đầu tư công nghệ mới để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, và đang sở hữu rất nhiều công nghệ cao trong ngành thủy sản, gồm: Quy trình nuôi hoàn toàn bằng vi sinh, hệ thống ao lắng nước biển, hệ thống xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc nước tự động bằng tia cực tím.
Với mô hình nuôi siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đầu tiên tại Việt Nam được triển khai rất thành công tại Bạc Liêu, Tập đoàn tiếp tục xây dựng các Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại các vùng trọng điểm Bình Định (300 ha), Quảng Ninh (300 ha)… nhằm cung cấp cho thị trường “Con tôm hoàn hảo”, đáp ứng cả về chất lượng và sản lượng. Khu phức hợp tôm chất lượng cao sẽ giúp góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững của ngành tôm.
Trang trại bò lớn nhất châu Á
Trang trại bò sữa TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, quy mô 45.000 con. Trong một chu trình khép kín, bò được gắn chip theo dõi chu kỳ động dục và sức khỏe (hệ thống chip thông minh có thể cảnh báo trước bệnh viêm vú trước 4 ngày, bò sẽ được ngừng vắt sữa để điều trị).
Bò được tính toán kỹ lưỡng thành phần dinh dưỡng với khẩu phần ăn 12 món mỗi ngày từ nguyên liệu sạch được trồng từ trang trại TH; Được tắm mát và nghe nhạc cổ điển nhiều lần trong ngày để cho sữa chất lượng cao nhất.
Trang trại có chế độ ăn riêng cho từng cá thể bò với các chế độ dinh dưỡng khác nhau: Bò đang vắt sữa, bò cạn sữa, bò đang dưỡng bệnh, bê con… Nước uống của chúng được lọc qua hệ thống máy móc hiện đại nhập từ Hà Lan. Mỗi cụm trại đều có một nhà máy xử lý nước sạch Amiad để cung cấp nước uống, tắm mát cho bò sữa.
Cánh đồng cỏ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như máy làm đất, gieo hạt và thu hoạch có năng suất làm việc bằng 800 người làm thủ công. TH cũng đầu tư những cỗ máy tưới nước tự động dài từ 250-550 m.
Sữa vắt ra được đưa vào hệ thống bồn, làm lạnh đột ngột trong 30s, đủ để tiệt trùng nhưng vẫn giữ được hầu như vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, thành công của mô hình trang trại bò sữa tập trung quy mô lớn của TH đã đánh dấu một cú đột phá trong bản đồ chăn nuôi tại Việt Nam, xứ sở nhiệt đới vẫn được coi là hoàn toàn không phù hợp với việc nuôi bò sữa.
Được biết, theo lộ trình, đến năm 2020, quy mô đàn bò sữa nuôi tập trung của TH sẽ lên đến 203.000 con. Đây có thể sẽ là một trong những kỷ lục mới của thế giới.
Phạm Phước Vinh
Du lịch nông nghiệp: Đầu tư đúng để du lịch và nông nghiệp cùng phát triển
Đồng Tháp: Trình diễn thiết bị bay không người lái-UAV phun thuốc bảo vệ thực vật