Về trang chủ Chưa được phân loại Ngành nuôi trồng thủy sản: Cẩn trọng với những cảnh báo từ thị trường

Ngành nuôi trồng thủy sản: Cẩn trọng với những cảnh báo từ thị trường

Nuôi trồng thủy sản (TS) có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt mốc 9 tỷ USD, nhưng cũng đang đối mặt nhiều thách thức.

Từ ngày 31/12/2018, tất cả tôm nhập khẩu vào Mỹ phải chịu sự giám sát của Chương trình SIMP gây lúng túng cho các doanh nghiệp chế biến-xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Quy mô nhỏ, kỹ thuật thấp, nhiều tạp chất, chi phí cao
Làm thế nào để nâng cao giá trị cho các sản phẩm TS nuôi trồng của Việt Nam là nội dung được thảo luận tại “Hội nghị bàn tròn ngành TS năm 2018” do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại TP.HCM vừa qua.

Ông Trần Đình Luân -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Nuôi trồng TS có vị trí rất quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng đều hàng năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt mốc 9 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.

100% lô hàng tôm Việt Nam bị kiểm tra tại Nhật Bản thay vì chỉ 30% như trước đây. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo về việc dư lượng nitrofurans trong tôm.

Nuôi trồng TS được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển nhất trong nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng tăng năng suất và mở rộng vùng nuôi. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết.

Mặc dù Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu TS nuôi trồng lớn trên thế giới, nhưng so với các nước trong khu vực thì chi phí sản xuất của Việt Nam còn cao, công nghệ hóa thấp, tỷ lệ đáp ứng các vấn đề chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội… còn hạn chế.

Ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký VASEP, cảnh báo: Việc quản lý sử dụng kháng sinh chưa tốt, khó khăn trong áp dụng các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khiến TS nuôi trồng Việt Nam khó vượt qua các hàng rào kỹ thuật để chinh phục được các thị trường khó tính.

Cẩn trọng với những cảnh báo
Ông Trương Đình Hòe thông tin: Tôm sú của Việt Nam đang đứng đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên từ ngày 31/12/2018, tất cả tôm nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). SIMP là chính sách mới với nhiều thủ tục, quy định đang đặt ra nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Tương lai tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng chưa rõ ràng, ngay cả khi đã đạt tiêu chuẩn MRPL của thị trường này. Tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam bị kiểm tra thay vì chỉ 30% như trước đây. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo về việc dư lượng nitrofurans trong tôm.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang -Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, khuyến nghị: Phải xử lý quyết liệt vấn đề dư lượng kháng sinh trong tôm, đừng để đến khi Mỹ và EU cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì kháng sinh mới thức tỉnh. Đồng thời, nuôi tôm với kháng sinh sẽ phải mất chi phí kiểm định, đẩy giá thành lên cao, trong khi nuôi tôm không sử dụng kháng sinh sẽ có giá tốt hơn.

Xây dựng lại đồng bộ chuỗi giá trị
Ông Trương Đình Hòe nhận định: Thách thức tổng thể của ngành nuôi trồng TS Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh, trong đó chất lượng con giống và nguồn cung con giống không ổn định.

Ông Trần Đình Luân cho rằng, để nâng cao giá trị cho các sản phẩm TS nuôi trồng của Việt Nam, cần có sự đồng bộ về chính sách, thể chế và năng lực trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến-xuất khẩu, và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuỗi giá trị. Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được thúc đẩy một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cả về mặt môi trường và xã hội.

Bà Trương Thị Lệ Khanh -Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, cho rằng: Các đơn vị trong chuỗi cung ứng phải liên kết lại, ứng dụng công nghệ vào ươm giống, cải thiện chất lượng nuôi và tối ưu hóa chế biến. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngành TS cần nói không với sản phẩm chất lượng thấp.

Theo các chuyên gia, chi phí sản xuất TS Việt Nam cao hơn các nước là do chưa khai thác được các phụ phẩm. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia đã chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có giá trị gia tăng cao hơn cả sản phẩm chính. Vì vậy, cần đánh giá đúng giá trị của phụ phẩm để tăng giá trị.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phát huy lợi thế của ngành nuôi trồng TS thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất, tăng cường thực thi các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn liên kết sản xuất, tối ưu hóa chi phí đầu vào và xây dựng thương hiệu nhằm giúp TS nuôi trồng của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn

Thị trường khoa học: Nơi giao thương kết quả nghiên cứu

Chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển

Sàn đánh bạc nghìn tỷ: Cây kiểng 10 tỷ của Tướng Vĩnh khủng cỡ nào?

TP.HCM hạn chế người nhập cư: Giải pháp nào phù hợp ?

Có thể bạn quan tâm