Năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp càng nhiều khó khăn hơn. Thay vì tiếp đà xuất siêu kỷ lục của các năm 2017-2018, xuất khẩu của VIệt Nam có thể sẽ đảo chiều. Nhập siêu dự báo sẽ quay trở lại với khoảng 3 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương ngày 17/1/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết:
Tiếp theo kết quả tích cực đạt được của năm 2017, hoạt động xuất-nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.
Quy mô xuất nhập khẩu đã tăng trưởng ở mức cao, ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.
Tình hình nhập khẩu được kiểm soát tốt, với kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD. Tính chung cả năm xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất siêu cao có thể không được duy trì trong năm 2019 do nhiều khó khăn có thể nhìn thấy trước. Những tác động này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.
Theo đó, năm nay nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.
Ngoài ra, dự báo trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này.
Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán tcaan thương mại có thể đảo chiều đang từ xuất siêu sang nhập siêu.
“Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2018. Trong khi đó nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD”, Bộ Công Thương dự báo.
Theo Bộ Công Thương, trong năm qua, tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu cũng giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng.
Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến năm 2018 là 29 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá năm 2018 là năm được mùa cả ngành công và nông nghiệp. Đây là năm chưa bao giờ xuất khẩu đạt tới 245 tỷ USD trong bối cảnh xuất khẩu thế giới suy giảm với trên 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Theo ông Cường, sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất của nền kinh tế, xuất siêu cả năm lên tới 7,2 tỷ USD là con số rất lớn với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo năm 2019 sẽ là năm rất khó khăn sau năm được mùa của cả Công và Thương.
“Chỉ tiêu hiện đã đạt cao rồi, giờ đạt cao hơn là rất khó trong bối cảnh thương mại thế giới rất bất ổn. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa trở lại bình thường, Brexit còn đang chưa ngã ngũ… là những yếu tố khó khăn nhìn thấy trước mắt với hoạt động của cả công nghiệp, nông nghiệp năm nay” -ông Cường nói.
Theo MSN-Tienphong
Xuất khẩu nông sản 2019: Tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới 43 tỷ USD
Sabeco: Tòa triệu tập Chủ tịch và Tổng giám đốc vụ kiện “chai bia chỉ có một nửa”