Huawei là một gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc. Vụ bắt giữ này vì vậy cũng khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại hai bên đang bị cho trong tình trạng “chiến tranh”.
Yêu cầu bắt giữ và sau đó là quyết định bắt giữ bà Wanzhou gần như xuất hiện ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất thời hạn 90 ngày “đình chiến” thương mại.
Theo đó Mỹ và Trung Quốc nhất trí không áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa kể từ ngày 1-1-2019. Thị trường chứng khoán lập tức phản ứng tiêu cực tới diễn biến xấu nêu trên.
Hãng tin Reuters ghi nhận chỉ số S&P500 có lúc rớt gần 2% trong phiên giao dịch sáng 6-12 tại châu Á. Trong khi đó, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 0,8%, còn các chỉ số tham chiếu tại Hàn Quốc và Úc cũng giảm tương ứng 0,6 và 0,2%.
Trang MarketWatch trưa 6-12 (giờ Việt Nam), tổng kết hàng loạt diễn biến xấu khác của chứng khoán Mỹ và châu Á.
Theo đó chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (giảm 1,43%) rớt hơn 300 điểm trong đêm 5-12, còn chỉ số tổng hợp Nasdaq rơi 1,31%. Ở châu Á, chỉ số Hang Seng rơi 2,62%.
Rất có thể vụ Wanzhou sẽ tiếp tục làm thị trường chứng khoán chao đảo, vì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả.
Ông James Lewis, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và hiện là giám đốc chính sách công nghệ tại trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), nói với trang Axios rằng “Huawei là một trong những công ty con cưng của chính phủ Trung Quốc”, và cảnh báo Trung Quốc “sẽ đáp trả và bắt con tin sắp tới”.
Thực tế sau khi thông tin bà Wanzhou bị bắt được đưa ra, phía Trung Quốc đã phản đối và yêu cầu Canada cũng như Mỹ phải “sửa chữa sai lầm” bằng cách phóng thích CFO này, theo Bloomberg.
Theo Tuoitre
iPhone ế ẩm, hàng nghìn công nhân sản xuất linh kiện bị sa thải