Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu những loại gạo có giá trị gia tăng cao, dần dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hệ thống siêu thị nước ngoài. Ra mắt chính thức Logo thương hiệu gạo Việt vào tháng 12/2018 khẳng định điều đó.
Xuất nhiều nhưng giá trị thấp
Việt Nam đang thống lĩnh vị trí thứ 3 về xuất khẩu gạo, giai đoạn 2010 – 2016, thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Đáng chú ý, gạo của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ….
Theo báo cáo của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; Đến giữa tháng 9/2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 4,8%. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.
Đánh giá cao những gì mà ngành lúa gạo đạt được, song không ít ý kiến cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường cho nên giá trị xuất khẩu thu được không cao.
Ông Trần Thanh Tuấn -Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương An Giang, cho biết: Việc xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh vẫn chưa định hướng được giống lúa chủ đạo cho hoạt động xuất khẩu; Chiến lược cũng chưa nêu các tiêu chí, tiêu chuẩn gạo… để gieo trồng, sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải -Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho rằng hiện nay, các quốc gia nhập khẩu có nhiều biện pháp quản lý mặt hàng gạo. Chẳng hạn, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng khiến.
Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc-Vinafood 1 cho rằng: Năng suất lúa Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha, nhưng giá trị xuất khẩu thu được của họ lại cao hơn nhiều so với Việt Nam. Thương hiệu gạo của Thái Lan tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi đó đa phần gạo Việt Nam không được người tiêu dùng biết tới.
Ghi danh gạo Việt Nam trên bản đồ lúa gạo thế giới
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Anh Dũng -Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I, cho biết: Từ khi NĐ 107 quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1/10/2018 đã cởi trói rất nhiều ràng buộc đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí người nông dân, hợp tác xã kinh doanh lúa gạo cũng có thể xuất khẩu gạo.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giống gạo ngon nổi tiếng như: Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen Bảy Núi (An Giang), Nàng Thơm Chợ Ðào (Long An)… với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường.
Tuy nhiên, nghịch lý là các giống này chưa được thế giới biết đến bởi vẫn chưa có chỉ dẫn địa lý. Thiếu chỉ dẫn địa lý, một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu thì gạo Việt khó lòng có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.
Ông Martin Albani -Chuyên gia Tài chính quốc tế, phân tích: Để gạo Việt khẳng định tên tuổi trên thị trường, phải đẩy mạnh công tác quảng bá, makerting. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp đưa ra hình ảnh, sau đó phải phát triển thương hiệu. Đưa ra thương hiệu nhằm tác động đến khách hàng, đối tác.
Nằm trong chuỗi quảng bá cho gạo Việt, Lễ công bố thương hiệu gạo Việt Nam sẽ diễn ra tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 3, được tổ chức tại Long An từ ngày 18-24/12/2018. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo “Festival Lúa gạo Việt Nam-Lần III-Long An, năm 2018 và Lễ Công bố LOGO Thương hiệu Gạo Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 6/11 tại TP.HCM.
Ông Phạm Minh Hùng -Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện Hội Nông dân phía Nam cho biết, Việt Nam đang nằm ở top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần này, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn sẽ công bố cho ra mắt Logo thương hiệu gạo Việt Nam.
Việc ra mắt Logo thương hiệu gạo Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với ngành lúa gạo. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động quảng bá, phát triển thị trường cho hạt gạo Việt Nam, giúp gạo Việt có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, logo còn là chất xúc tác để các doanh nghiệp, người nông dân nỗ lực đầu tư cho chất lượng hạt gạo, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.
Phạm Phù Cát
“Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân”
Nhật Bản: Bắt nhóm thực tập sinh Việt chuyên trộm cắp mỹ phẩm
Vụ kim khâu trong trái dâu tây ở Úc: Táo, chuối, xoài cũng bị gài kim nhọn