Về trang chủ Chưa được phân loại Để gạo Việt từ lọ lem thành công chúa

Để gạo Việt từ lọ lem thành công chúa

Việc Tập đoàn thực phẩm Sunrice của Úc mua lại nhà máy lúa gạo ở tỉnh Đồng Tháp là chuyện nóng ran trong những ngày này, giai đoạn mà gạo Việt đang trăn trở khi xuất khẩu rất nhiều nhưng lại vô danh trên thị trường thế giới. Câu hỏi đặt ra là: Tập đoàn đa quốc gia này có thể biến gạo Việt từ lọ lem thành công chúa ?

Thương hiệu quốc tế và gạo nguồn gốc Việt
Trong nhiều năm qua, gạo Việt xuất khẩu (XK) hàng top 2-3 trên thế giới, nhưng chỉ mang tên gọi chung theo chất lượng là gạo 5%, 25% tấm, hoặc bị đánh tráo sang các loại gạo nước ngoài. Gạo Việt không có thương hiệu chính là rào cản lớn nhất cho việc đứng vững trên thị trường gạo toàn cầu, phải lệ thuộc rất nhiều vào thương lái.

Trong khi trên thực tế, Việt Nam có nhiều giống gạo rất ngon. Chỉ riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có một số giống gạo nổi tiếng như: Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen Bảy Núi (An Giang), gạo Nàng Thơm Chợ Ðào (Long An)… với giá bán cao hơn gạo thường rất nhiều.

Những tập đoàn đa quốc gia như SunRice sẽ là mắc xích quan trọng trong xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Trong khi các doanh nghiệp nội chỉ lo làm sao xuất được gạo và xuất được số lượng lớn, thì một số doanh nghiệp ngoại đã nhìn thấy có thể xây dựng được thương hiệu từ nguyên liệu gạo Việt Nam, nên họ âm thầm làm việc này.

Hơn 24 năm trước (1993-1994), công ty gạo của Mỹ là American Rice Inc. đã liên doanh với VinaFood Cần Thơ sản xuất giống lúa IR64 (gạo trắng trong, hạt dài) để chế biến XK với thương hiệu nổi tiếng ARI đi Nam Mỹ và Trung Đông.

Trong vòng ba năm gần đây, SunRice đã mua 200 triệu USD gạo và hiện chiếm khoảng 5% lượng gạo XK của Việt Nam. Ngoài việc mua gạo, tập đoàn này còn hợp tác trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam để phát triển năng lực gạo Japonica XK có giá trị cao cho thị trường toàn cầu.

SunRice cũng được ghi nhận là một trong những DN lớn nhất trên thế giới tiêu thụ gạo Japonica, có thương hiệu tại hơn 60 quốc gia. Tập đoàn này đã sử dụng nguồn cung ứng cả gạo Japonica và Indica từ Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Việc SunRice chuyển từ khách hàng mua gạo thành nhà đầu tư trực tiếp vào quy trình chế biến gạo ở Việt Nam cho thấy tiềm năng hạt gạo Việt, và báo hiệu sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia phát triển gạo Việt.

Việt Nam làm gì trong chuỗi xây dựng thương hiệu gạo Việt ?
Thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp như SunRice, American Rice Inc…. là một mắc xích quan trọng trong chuỗi xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Và họ cần những giống gạo thơm ngon, bổ dưỡng, phù hợp khẩu vị của người tiêu dùng.

Theo kế hoạch, SunRice sẽ trang bị dây chuyền đóng gói mới cho nhà máy ở Đồng Tháp nhằm đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm chất lượng cao, các tiêu chuẩn an toàn và yêu cầu của khách hàng. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2019, với công suất khoảng 260.000 tấn lúa khô/năm.

Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt khâu phát triển các giống lúa bản địa để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Rob Gordon -Giám đốc điều hành SunRice, chia sẻ: Việc đầu tư này nhằm cam kết duy trì tăng trưởng nguồn gạo bền vững về chất lượng và các đặc điểm kỹ thuật phù hợp với các thị trường tiêu thụ, phát triển các giống lúa theo tiêu chuẩn.

GS.TS Võ Tòng Xuân thông tin: Các công ty kinh doanh gạo nổi tiếng trên thế giới phần lớn dùng giống lúa phổ biến tại địa phương họ đầu tư, với yêu cầu đạt chất lượng và hợp khẩu vị người tiêu dùng, chứ không phải từ giống lúa riêng của công ty họ lai tạo.

Hiện tại ở Việt Nam, lúa giống thiếu về số lượng, chất lượng lại không bảo đảm dẫn tới chất lượng gạo thấp, từ đó khó xây dựng thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường thế giới. Cho nên việc chuẩn bị tốt khâu giống là chuyện đáng quan tâm của cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp nội hiện nay.

Theo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết năm 2017, Viện có khoảng 220 ha sản xuất lúa giống với các giống lúa chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu như OM5451, OM4900, OM5218… hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu lúa giống của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 4.000-5.000 tấn/năm.

Cuối năm 2017, TP.Cần Thơ đã làm việc với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long về triển khai hợp tác sản xuất lúa giống. Theo đó, hai bên sẽ trực tiếp ký kết các vấn đề liên quan, với mục tiêu đưa mạng lưới sản xuất vào chuyên nghiệp hóa, hình thành địa chỉ cung cấp lúa giống chính quy, chứ không chỉ dừng lại ở các tổ hợp tác nhỏ lẻ hay các nông hộ như trước.

Bên cạnh đó, các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa giống chất lượng cao. Ðây được coi là một khâu quan trọng, làm tiền đề cho chất lượng gạo, nhất là gạo xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, những quốc gia mạnh về xuất khẩu gạo, gạo có giá bán cao đều có giống lúa nổi tiếng, đủ điều kiện tạo dựng thương hiệu. Ðể làm được điều này, đòi hỏi các ngành chức năng phải tập trung nghiên cứu, chọn tạo ra những loại giống lúa chất lượng tốt.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Con Cưng: Lộ dữ liệu cá nhân hàng ngàn nhân viên trên mạng?

Cháy rừng ở California: 42 người chết, TT Trump ban bố tình trạng thảm họa

Cháy rừng ở California: 42 người chết, TT Trump ban bố tình trạng thảm họa

Hải Phòng: Nữ chủ tiệm tóc bị sát hại, đốt xác

Có thể bạn quan tâm