Về trang chủ Chưa được phân loại Chống chuyển giá: Kiểm soát báo cáo tài chính của công ty mẹ ở nước ngoài

Chống chuyển giá: Kiểm soát báo cáo tài chính của công ty mẹ ở nước ngoài

Đã từ hàng chục năm trước, giới làm luật đã định nghĩa được hành vi biến lời thành lỗ của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là: Chuyển giá, thế nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp để điều tiết được hành vi đó. Liệu Luật quản lý thuế đang được đưa ra Quốc hội bàn thảo có đề xuất được giải pháp nào khả thi ?

Bất thường thua lỗ triền miên
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ 2012-2016 cho thấy số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm từ 44%-51%. Đặc biệt, năm 2015, có tới 51%, và năm 2016 có 50% DN FDI báo lỗ. TP.HCM có gần 60% trong tổng số 3.500 DN FDI thua lỗ; Lâm Đồng có 104/111; Bình Dương có 50%….

Bản chất chuyện lời-lỗ của doanh nghiệp FDI đã được cơ quan chức năng “định bệnh” từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn không thể xử lý rốt ráo.

Lĩnh vực kinh doanh báo cáo thua lỗ nhiều nhất là da giày, may mặc, sản xuất, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, dù kinh doanh thua lỗ nhưng các DN FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Một nghịch lý, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP.HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.

Ông Mai Văn Nhơn -Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Khoảng 30 DN FDI ở Đồng Nai bị lỗ nặng vượt quá vốn đầu tư. Tổng vốn đăng ký của những DN này không nhiều, chỉ vài triệu USD mỗi doanh nghiệp, song số nợ vượt hơn vốn đầu tư. Cụ thể như: Công ty TNHH S., Công ty TNHH T. (H.Nhơn Trạch)… vốn đăng ký có 3 triệu USD nhưng các khoản nợ lên gần 5 triệu USD.

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, dù hoạt động tốt nhưng DN FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân…) để chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh -Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), nêu nghi vấn: Không ít DN FDI tại Việt Nam báo lỗ 10, thậm chí 20 năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không hiệu quả tại sao họ lại đầu tư như vậy.

Thời gian qua, việc kiểm soát tình trạng chuyển giá, báo lỗ của các DN FDI, DN liên kết ra nước ngoài được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, ban hành nhiều chủ trương, chính sách Nhà nước và dần hoàn thiện khung pháp lý. Báo cáo của ngành thuế cho thấy, năm 2015-2016, cơ quan thuế kiểm tra 965 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu 6.295,5 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 286 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa qua, những kết quả trên chỉ phản ánh được một phần tình trạng trốn thuế của DN.

Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp FDI là một mảng rất quan trọng cho phát triển, tuy nhiên cần có những chính sách phù hợp để điều tiết.

Quản lý chặt chi phí và vốn vay
Bàn về giải pháp chống chuyển giá, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng 2 giải pháp song song. Thứ nhất là kiểm soát thật chặt giá hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư. Phải có báo cáo tài chính của công ty mẹ để biết được thực tế chi phí như thế nào, việc này cần sự hợp tác quốc tế đối với chống chuyển giá.

Thứ hai, phải quản lý vốn vay nội bộ. DN vay vốn của một tổ chức tín dụng, thì phần trả lãi cho khoản vay đó được tính vào chi phí. Nhưng nếu vay vốn của công ty mẹ thì đó không phải là vay vốn, mà có thể là mượn việc vay vốn để chuyển lợi nhuận. Trong trường hợp này phải khống chế phần vay vốn nội bộ được phép bao nhiêu phần trăm.

Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) cho rằng các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết được sắp xếp rải rác tại các chương trong Luật là chưa hợp lý như: Điều 12 về hợp tác quốc tế được quy định tại Chương 1; Điều 17 về nghĩa vụ của người nộp thuế được quy định tại Chương 2; Điều 42 về nguyên tắc kê khai và tính thuế; Điều 43 về hồ sơ khai thuế được quy định tại Chương 3; Và Điều 50 về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật được quy định tại Chương 5.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung được một số nội dung trong Nghị định, nhưng việc chống chuyển giá có nhiều hình thức khác nhau, cơ quan thuế hiện đang quản lý ở khâu sản xuất kinh doanh, còn khâu đầu tư thì chưa quản lý được.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay, mỗi năm Việt Nam kêu gọi 18-20 tỷ USD đầu tư nước ngoài, giải ngân 15-17 tỷ USD. Nhưng trên thực tế, con số này chưa được xác thực, mà chủ yếu là các DN tự khai, rồi tự tính khấu hao mà cơ quan quản lý không nắm được. Đây chính là một kẽ hở cho hành vi chuyển giá.

Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, làm sao để Luật Quản lý thuế sửa đổi khi ban hành sẽ nhận được sự đồng thuận và có chất lượng cao nhất.
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn

Từ 1/1/2019, tạm ngừng tạm nhập-tái xuất gỗ tự nhiên từ Lào và Campuchia

Quốc Cường Gia Lai-QCG: Lối thoát nào khỏi vụ Phước Kiển và khoản nợ khủng với Sunny Island ?

Nhiệt điện than: Bài toán khó giữa hiệu quả kinh tế và sức khỏe con người

Sabeco: Sai phạm của nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín tại khu đất ở Q.1

Có thể bạn quan tâm