Nhờ có chỉ dẫn địa lý (CDĐL), sản phẩm bán với giá cao hơn 30%, 70%, thậm chí là 100%, nhưng nhiều nơi chưa nhìn thấy giá trị của CDĐL để đưa vào khai thác.
Giá bán sản phẩm tăng 100%
Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ, hiện Việt Nam có 60 CDĐL ở 39 tỉnh-thành phố đã được bảo hộ. Trong đó, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè… còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác.
Ông Trần Thanh Nam -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, khẳng định: CDĐL có ý nghĩa quan trọng, là vấn đề cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Hiện nay, thị trường thế giới và trong nước đều đặt vấn đề về truy xuất nguồn gốc, do đó việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng.
Một trong những kết quả tích cực nhất là giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng. Thống kê của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ CDĐL cho thấy, giá bán sản phẩm tăng từ 20-100%, điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%….
Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp CDĐL cho bưởi da xanh đầu năm 2018, Bến Tre đang tích cực chuẩn bị để sử dụng hiệu quả CDĐL. Theo ông Nguyễn Chí Thiện -Giám đốc HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, cho biết: HTX hạn chế dùng phân hóa học, nguồn kali giúp bưởi chín có ruột hồng lấy từ phù sa tự nhiên, hiện tại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó mới chuyển dần theo hướng hữu cơ. Bưởi da xanh từ Bến Tre có giá cao hơn bưởi từ các tỉnh miền Đông từ 10.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Thắng Hải -Thứ trưởng Bộ Công Thương, nêu rõ: Không chỉ ngành công thương, mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa. Đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Để phát huy tối đa hiệu lực của CDĐL
Việc thực hiện CDĐL đã và đang mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó quảng bá sản phẩm cho địa phương…. Thế nhưng hiện nay, CDĐL chưa được khai thác hiệu quả trong thương mại. Hiện vẫn chưa có sự hợp tác, kết nối giữa cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng trong vấn đề này.
Nhiều năm tìm hiểu về CDĐL tại Việt Nam, TS.Delphine Marie Vivien -Chuyên gia CDĐL Pháp Quốc, cho biết: Hiện có đến 50% CDĐL của nông sản Việt Nam không được quản lý, khai thác.
Ví dụ như CDĐL quế Hưng Yên được Nhà nước giao cho Hiệp hội ngành quế Hưng Yên quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả CDĐL.
“Ở Pháp, hiệp hội ngành nghề là chủ sở hữu các CDĐL. Trong khi đó, ở Việt Nam thì Nhà nước là chủ sở hữu. Nhiều trường hợp, nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo CDĐL do không biết mình có quyền. Nếu các tỉnh đăng ký CDĐL xong, giao cho địa phương và để đó, không đầu tư khai thác thì CDĐL gần như không có giá trị, rất lãng phí” -bà Delphine Marie Vivien nhận định.
Việt Nam đang thiếu một khung thể chế chung về quản lý và phát triển CDĐL. Với các tổ chức-tập thể, thiếu các quy định về quyền và trách nhiệm đã khiến những đơn vị này chưa thực sự chủ động và làm cầu nối để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, cần có các chính sách, chương trình quốc gia nhằm quảng bá và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các sản phẩm CDĐL.
Trong bối cảnh đó, mới đây Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký kết “Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL” là tín hiệu tích cực, không chỉ hứa hẹn đưa hoạt động này vào nền nếp, mà còn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh với thế giới.
Ông Phạm Công Tạc -Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, phát biểu: Việc ký kết quy chế phối hợp góp phần tích cực trong quản lý Nhà nước về CDĐL, nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng CDĐL của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh-vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
P.Phước Vinh -Langmoi.vn