Về trang chủ Văn hóa Hồn nước Ba nữ họa sĩ miền Bắc hành phương Nam

Ba nữ họa sĩ miền Bắc hành phương Nam

“Chào Sài Gòn” là tên cuộc Triển lãm của 3 nữ họa sĩ Ly Trần, Vương Linh, Hương Giang Hoàng. Triển lãm trưng bày khoảng 55 bức tranh, sẽ được khai mạc lúc 18h ngày 24/11 đến 3/12/2023 tại Nguyen’s Art Garden, 37 đường 103, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức- TP.HCM.

1.Vì sao 3 nữ họa sĩ chọn Sài Gòn để triển lãm chung?

Họa sĩ Ly Trần cho biết: “Trở về Việt Nam năm 2023 sau hơn 20 năm sống ở nước ngoài là một điều gì đó để tôi tìm lại những mảnh ghép còn thiếu trong con người mình. Và dường như tôi đã tìm thấy. Triển lãm Chào Sài Gòn là lời chào từ trái tim tôi đến miền Nam thân thương, đây cũng là lời chào tạm biệt của tôi với Việt Nam sau gần một năm được chào đón, yêu thương.

tm-img-alt
3 nữ  họa sĩ (Từ trái qua): Họa sĩ Hương Giang Hoàng, Ly Trần, Vương Linh

Tôi đem đến Chào Sài Gòn chủ yếu là những tác phẩm mới nhất, sáng tác 2023 tại Việt Nam và một tác phẩm duy nhất mang từ Mỹ về là Hoa sa mạc sáng tác năm 2020 đánh dấu quyết định từ bỏ kinh doanh trở về với con đường làm nghệ thuật.

tm-img-alt
 Cha và con

Với triển lãm Chào Sài Gòn, tôi có 2 người em – 2 họa sĩ Vương Linh và Hương Giang Hoàng đồng hành. Linh và Giang là hai trong những họa sĩ đầu tiên tôi quen khi trở lại Việt Nam. Với tấm lòng đẹp đẽ các em đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện triển lãm cá nhân Đa sắc vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Khi biết tôi có ý định tổ chức triển lãm thứ hai tại Sài Gòn, các em đã quyết định đồng hành. Ba nữ họa sĩ với ba phong cách và màu sắc khác biệt mong muốn đem đến cho giới nghệ thuật Sài Gòn một làn gió mới vào dịp cuối năm”.

tm-img-alt

Ly Trần cho biết chị đã nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự giúp đỡ từ những người thân quen xa xưa, cho đến những người bạn, các hoạ sĩ đồng nghiệp vừa mới quen. Chị hiểu và cảm nhận được nhiều về đất nước, con người Việt Nam.

tm-img-alt
Người đàn bà trong áo vest đen

Từ một người không quen biết ai trong giới nghệ thuật Việt Nam, qua quá trình chuẩn bị và triển lãm, chị đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều anh chị em họa sĩ, những nhà sưu tập, những người yêu tranh. Có nhiều ý kiến, nhận xét, quan điểm trái chiều về triển lãm của chị, nhưng sau tất cả, chị nhận được nhiều nhất là tình yêu thương, chào đón sự trở về. Để đáp lại tình cảm ấy, chị quyết định thực hiện triển lãm thứ 2 ở Việt Nam, ghi lại dấu ấn và những tác phẩm sáng tác ở Việt Nam trong năm 2023. “Tôi chọn Sài Gòn, trái tim thứ hai của Việt Nam để thực hiện triển lãm Chào Sài Gòn. Sài Gòn cũng là thành phố có với tôi nhiều kỷ niệm đẹp, tôi thích Sài Gòn quanh năm ấm áp, thích những cơn mưa bất chợt” – Ly Trần nói.

tm-img-alt
Vương Linh-  Lạc trong rừng 

Còn họa sĩ Vương Linh thì cho biết: “Trong dự án Jardin de rêve (Vườn mộng mơ) tôi đã vẽ nhiều giấc mơ, lần này là lần đầu tiên triển lãm tại Sài gòn, tôi muốn tìm hiểu một cách kỹ lưỡng người Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng, họ có phải là những người mộng mơ không?

tm-img-alt
Rừng mộng mơ 
tm-img-alt
Sau cơn mưa 

Họa sĩ Hương Giang Hoàng chia sẻ: “Tôi vốn dĩ là một tín đồ của nhạc Trịnh, tôi nghe nhạc của ông từ năm 18 tuổi, khi chưa biết đến tình yêu là gì, nhưng mỗi ca từ đó như đều ám ảnh tôi về thân phận và tình yêu, và tôi đã vẽ chúng. Vô hình trung, các tác phẩm của tôi đều có chút ảnh hưởng của đạo Phật, cho dù Trịnh Công Sơn hay tôi đều không phải là người đi tu tập, vì bản thân chúng tôi đều chưa thoát ra được sự đau khổ về thân phận của con người”.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Tham gia triển lãm Chào Sài Gòn lần này, như một lời chào thân mến tới Sài gòn, nơi mà những người mơ mộng như tôi đã đôi lần đã mơ về những con đường, những bâng khuâng xuất hiện trong các bài hát của Trịnh Công Sơn. Nơi mà tôi biết rằng, những giá trị truyền thống vẫn luôn luôn được chào mừng và đón nhận

tm-img-alt

2- Còn khi hỏi về thông điệp hoặc cảm hứng của triển lãm Chào Sài Gòn

Họa sĩ Ly Trần cho biết: “Tôi muốn chạm đến cảm xúc của người xem. Tôi thường bắt đầu các tác phẩm bằng một ý nghĩ, một hình ảnh, một khái niệm nào đó mang đến cảm xúc cho tôi. Sau đó tôi mới suy nghĩ đến bố cục và cách thể hiện. Đôi khi tôi mất nhiều thời gian để tìm cảm xúc và suy nghĩ hơn cả thời gian để thể hiện. Tôi mong muốn những tác phẩm của mình được bắt đầu từ cảm xúc sẽ chạm được đến cảm xúc của người xem tranh”.

tm-img-alt
Họa sĩ Vương Linh

Họa sĩ Vương Linh thì cho rằng: “Trong các tranh sơn dầu phong cảnh, tôi thường quan tâm hơn cả tới không gian tĩnh mịch, có linh khí trú ẩn ở đâu đó – có thể ở những cánh rừng, có thể ở một cây cổ thụ, hoặc trên một cánh hoa của đồng cỏ bát ngát tới tận chân trời… Lúc tôi vẽ là lúc những suy tư trộn lẫn với cảm hứng hoặc vui buồn hòa tan thành màu sắc. Tôi buông thả hình khối, bố cục để dòng cảm xúc của mình tự do chảy lang thang trên các bức tranh… Tôi thích đi đây đi đó ngao du và tôi không vẽ cái tôi thấy, tôi chỉ vẽ cái tôi cảm thấy, cái tôi rung động nhất…”.

tm-img-alt
Họa sĩ Hương Giang

Họa sĩ Hương Giang Hoàng thì quan niệm: “Thơ cho đời, nhạc cho người, còn họa thì cho mình”. Tôi vẽ chính mình thông qua hình tượng hoa sen. Đôi khi là niềm vui, hạnh phúc, khi được tự do và được yêu thương. Đôi khi đó là sự buồn bã, tuyệt vọng, đau khổ đến mức tuyệt vọng, đó là sự đấu tranh diễn ra hàng ngày trong tâm hồn tôi. Những bông hoa sen như đang nhảy múa cùng tôi trong một không gian riêng, ở nơi đó tôi thấy: Quá khứ, hiện tại, và tương lai của chính mình”.

3.Riêng và chung

Điểm chung trong các tác phẩm của họ chính là nét nữ tính, màu sắc tươi trẻ, sự lãng mạn, dù 3 tính cách, 3 phong cách khác nhau. Họ chung một niềm đam mê vẽ, khao khát yêu và được yêu. Hình như ai cũng có những tâm sự riêng, vừa bí ẩn vừa quyến rũ, lúc nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc dữ dội.

tm-img-alt

Tranh của Ly Trần thiên nhiều về tinh thần biểu hiện, như là cuộc độc thoại của người đàn bà tuổi 40, không còn tự hỏi, mà đã khẳng định một bản thể nữ. “Vẽ gì cũng là tự họa” – Trịnh Lữ quan niệm như vậy. Quan niệm này có vẻ rất hợp với bộ tranh mới của Ly Trần, bởi đây cũng chính là một tự họa đầy tự tin của nữ họa sĩ này.

Là một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, học tập tại Nga, sinh sống tại Mỹ, đã cho Ly Trần có cơ hội sống, du lịch ở nhiều quốc gia, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa.

tm-img-alt

Ly Trần bắt đầu vẽ khi còn là một cô bé. Niềm đam mê hội họa của chị thực sự bùng phát vào năm 2001 khi chị chuyển đến Moscow để học ngành thiết kế công nghiệp. Bảy năm học với những buổi học hội hoạ, hình hoạ, graphic, điêu khắc, nhiếp ảnh… đã gieo vào trong Ly Trần tình yêu với nghệ thuật. Biến hội hoạ trở thành một phần đời sống của chị.

Năm 2010 Ly Trần cùng gia đình chuyển sang Mỹ định cư ở khu vực Washington D.C. Năm 2020 là một năm đầy biến động với toàn thế giới, đặc biệt là với nước Mỹ. Chính thời gian này cũng là một bước ngoặt đối với Ly Trần. Chị có thời gian nhìn lại những điều mình thích và đam mê. Ly Trần đã quyết định kết thúc tất cả những công việc kinh doanh để dành toàn thời gian trở lại với hội hoạ.

tm-img-alt

Các tác phẩm nghệ thuật của Ly Trần được lấy cảm hứng từ bất cứ điều gì đem lại cảm xúc cho cô. Từ những chủ đề hữu hình như hoa, phong cảnh, con người, động vật… chođến những khái niệm vô hình như sự cân bằng, vòng đời, tình yêu… Là một người yêu thích nghệ thuật đường phố graffiti, Ly Trần thích cuộc chơi với những màu sắc. Chị thường kết hợp trường phái ấn tượng (impressionism) và trường phái biểu hiện (expressionism) với cảm xúc để tạo ra tác phẩm của mình. Yêu thích sơn dầu nhưng Ly Trần cũng sử dụng thành thạo nhiều chất liệu khác, như sơn mài, chất liệu tổng hợp…

Tranh của Vương Linh, mảng phong cảnh, thiên hẳn về tinh thần ấn tượng, có sự man mác, buồn vương, nhưng không bi lụy. Ở đó, con người vắng bóng, những cái gì thuộc về con người – như ngôi nhà, cổng ngõ – nhỏ bé trước thiên nhiên. Mỗi bức tranh có một bảng màu chủ đạo, như ngụ ý về mùa, hoặc tâm trạng của người quan sát.

tm-img-alt

Vương Linh quan niệm: “Công việc sáng tác của tôi về thực chất là tôi đi tìm cái đẹp lý tưởng trong thế giới hiện đại. Có lẽ về lý thuyết cái đẹp cổ điển nằm trong khái niệm chân- thiện- mỹ đã tồn tại lâu đời trong hội họa nói riêng và các nghệ thuật khác nói chung. Tôi ý thức được rằng cái đẹp lý tưởng ấy càng ngày càng khó tìm hơn và khó hơn nữa là thể hiện như thế nào bằng quan niệm và bút pháp của cá nhân mình. Có thể tôi là người hay mộng mơ, nên tôi đi tìm cái đẹp trong giấc mơ… Tôi đi tìm cái đẹp ở xung quanh tôi, ở những gì tôi bắt gặp hoặc phát hiện, thậm chí cả ở trong những nỗi buồn, thất vọng… Trên con đường nghệ thuật đi tìm kiếm cái đẹp đó, tôi biết chắc chắn chẳng dễ dàng gì, nhưng đấy lại là nguồn cảm hứng tạo ra năng lượng giúp tôi tiến bước và tới đích của cuộc đời”.

tm-img-alt
tm-img-alt

Hương Giang Hoàng dành nhiều tình cảm với hoa, không chỉ ở khía cạnh cảm xúc, mà còn là sự tỉnh thức, sự tịnh tâm. Tuy vẽ thiên về tả thực, nhưng là một tả thực – biểu hiện. Xem những bức hoa như Cúc hoa tịnh độ, Liên hoa tịnh độ… có thể thấy rõ điều này. Chợt nhớ mấy câu trong bài thơ Cúc đỏ của Nguyễn Trãi: “Cõi đông còn thức, xạ cho hương/ Tạo hóa sinh thành khác đấng thường/ Chuốt lòng đơn chăng bén tục/ Bề tiết ngọc kể chi sương”.

Gia Huy  (theo TTV)

Có thể bạn quan tâm