Những năm gần đây, Pháp trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với sinh viên Việt Nam. Con đường đến Pháp ngày càng rút ngắn với các bạn trẻ có khả năng ngoại ngữ và thành tích học tập tốt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Ngọc Hân -Giám đốc Campus France TP.HCM – bộ phận đảm nhiệm du học của Đại sứ quán Pháp, cho biết hiện du học sinh VN tại Pháp có trên 6.000 người, tăng 36% trong giai đoạn 2013-2018.
Sinh viên chủ yếu học các ngành kinh tế quản lý (38,5%), khoa học (33,5%), xã hội (13,7%), chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn như Paris, Lyon, Bordeaux… Tuy nhiên, gần đây đã có sự dịch chuyển về các tỉnh do chất lượng đào tạo tương đương nhưng mức chi phí sinh hoạt thấp hơn.
5 lợi thế du học Pháp
Theo bà Hân, Pháp có nhiều điểm hấp dẫn du học sinh. “Thứ nhất là chi phí, dù mới đây Pháp quyết định tăng học phí với sinh viên ngoài khối châu Âu từ 170 euro lên 2.770 euro hệ ĐH và từ 243 euro lên 3.770 euro hệ cao học, nhưng nhìn chung con số này vẫn tương đối rẻ trong những nước phát triển.
Thứ hai, nước Pháp có một nền giáo dục tiên tiến, toàn diện và đa dạng với trên 3.500 cơ sở đào tạo công lập và tư thục ở các hệ ĐH và sau ĐH.
Thứ ba, Pháp là một trong những nước được đánh giá cao về nghiên cứu, đứng thứ 6 trên thế giới trong việc chi ngân sách cho nghiên cứu phát triển, và thứ 6 về cấp các bằng phát minh quốc tế.
Thứ tư, Pháp là cường quốc kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới, tiếng Pháp vẫn là một trong những ngôn ngữ chính toàn cầu.
Thứ năm, môi trường sống ở Pháp rất dễ chịu và thuận lợi, nhất là đối với người trẻ. Pháp luôn có nhiều ưu đãi như tiền vé phương tiện công cộng hay vé tham quan cho người dưới 28 tuổi.
Cuối cùng, nước Pháp cũng rất nổi tiếng về nghệ thuật sống, đặc biệt về ẩm thực, kiến trúc, nghệ thuật…”.
Dễ tiếp cận thị trường lao động
Du học sinh đến Pháp được chính phủ cho phép làm thêm bằng 60% thời gian làm việc thông thường, tương đương 964 giờ/năm – bà Hân cho biết thêm.
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội đi thực tập và khi thời gian thực tập trên 2 tháng, được trả lương với mức tối thiểu 577,5 euro/tháng, đồng thời được đảm bảo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn… Nhờ vậy, ngay khi chưa tốt nghiệp, sinh viên đã có thể tiếp cận với thị trường lao động ở Pháp.
Khi có được bằng thạc sĩ (master) hoặc bằng cử nhân thực hành (licence professionnelle), sinh viên được cấp giấy phép lưu trú tạm thời (Autorisation Provisoire de Sejour) thời hạn 12 tháng để tìm việc.
Nếu tìm được công việc ổn định, sinh viên sẽ được cấp giấy phép lưu trú làm việc tại Pháp. Sau khi về Việt Nam, sinh viên có thể xin visa quay trở lại Pháp dễ dàng để làm việc hoặc lập công ty.
Sau khi du học, số sinh viên trở về Việt Nam làm việc cũng không ít. Đây là quyết định tùy vào cân nhắc của mỗi người nhưng một người đã từng sống và học tập trong một nền kinh tế lớn sở hữu môi trường đa văn hóa như Pháp thường được nhiều công ty đa quốc gia coi trọng.
“Tuy nhiên, trước khi du học, các bạn trẻ cần quan sát thị trường lao động ở cả 2 quốc gia và đối chiếu với sở thích, khả năng của mình để chọn ra được con đường tốt nhất, tránh trường hợp ở Pháp hay về Việt Nam cũng không tìm được việc” – bà Hân lưu ý.
Những điều lưu ý
Đến Pháp, bạn nên chọn ngành học phải xuất phát từ sở thích, mong muốn cũng như khả năng của bản thân. Tiếp đó là rèn luyện ngôn ngữ ngay từ khi còn ở Việt Nam, không chỉ đáp ứng trình độ ngoại ngữ nhà trường yêu cầu (thường là B2) mà nên sẵn sàng đào sâu hơn nhằm tạo lợi thế sau này.
Du học sinh cần chủ động tìm hiểu ngành học, trường học và nơi sống của mình trên các kênh thông tin khác nhau, trong đó có website Campus France vốn luôn đầy đủ thông tin từ học bổng đến giá… vé xem phim.
Khi sang Pháp, sinh viên nên xác định được mối ưu tiên của mình trong từng giai đoạn và luôn hỏi đâu là điều quan trọng nhất của mình. Nhiều sinh viên Việt Nam du học Pháp nhưng mải mê làm thêm nên sao nhãng việc học, dẫn đến kết quả sa sút, thậm chí không thể tốt nghiệp.
Theo Tuoitre
Du học: Top 5 quốc gia/vùng lãnh thổ có sinh viên được nhà tuyển dụng thích nhất
Ô.Tập Cận Bình: Bắc Kinh không phải tuân theo lệnh của bất cứ quốc gia nào
Công Vinh-Văn Quyến-Anh Đức: 1 bức ảnh 3 số phận và bài học cuộc đời