Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu-GCI năm 2018, Việt Nam tụt 3 bậc, xếp hạng từ 77/140 nền kinh tế năm 2018.
Điểm kém cho cơ sở hạ tầng
Đánh giá trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thực trạng, tiềm năng và thách thức” do VCCI phối hợp với Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 9/11 tại TP.HCM.
Theo TS.Phạm Thị Thu Hằng -đại diện VCCI, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu-GCI 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam dù đã tăng từ 57,9 lên 58,1 điểm, nhưng tụt 3 bậc, xếp hạng từ 77/140 nền kinh tế.
Phân tích các yếu tố làm nên sức cạnh tranh cho nền kinh tế, TS.Phạm Thu Hằng cho rằng, cơ sở hạ tầng là một trong những điểm yếu nhất trong các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là chất lượng đường bộ, cảng biển, cảng hàng không và cung cấp điện. Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích không theo kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hoá.
Năng suất lao động chưa tăng theo chiều sâu
Thị trường lao động, năng suất lao động còn thấp, tồn tại các bất cập, không cân xứng cung-cầu giữa các ngành nghề; Thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc. Hệ thống thông tin của thị trường lao động bị hạn chế, bị chia cắt giữa các vùng miền….
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1990-2017 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/16 so với Sigapore, bằng 1/2 so với Philippines.
Theo ông Trần Mai Ước -Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu. Nguyên nhân là do cơ cấu nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ, sử dụng lao động giá rẻ với trình độ đào tạo và kỷ luật lao động còn hạn chế. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự đáp ứng.
Năng lực sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam khá thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo bao gồm: Các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D), số lượng các bằng sáng chế được cấp…. Điều này cản trở Việt Nam tiến sâu hơn trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc.
Yếu thế doanh nghiệp nhỏ
Về việc cạnh tranh giữa các loại hình kinh doanh, bà Nguyễn Thị Cành -Trường đại học Kinh tế Luật cho rằng, sức cạnh tranh thì doanh nghiệp (DN) FDI đứng đầu, sau đó đến DN Nhà nước rồi đến DN tư nhân. Sức cạnh tranh của các DN được tính toán trên các yếu tố về vốn, nguồn lực đất đai, năng lực, quy mô hoạt động.
Theo đó, các DN lớn có sức cạnh tranh cao hơn nhờ tiếp cận được các chính sách kích cầu hỗ trợ đầu tư, đào tạo. Trong khi các DN có quy mô vừa và nhỏ rất khó tiếp cận đến các chính sách này dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của nền kinh tế tương lai của Việt Nam luôn nằm dưới mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ, bà Vũ Kim Hạnh -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho rằng, trước hết các DN phải coi trọng chất lượng, coi trọng giá trị gia tăng trong sản xuất, tích cực áp dụng công nghệ và phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường.
Theo đánh giá của bà Vũ Kim Hạnh, các DN vừa và nhỏ còn thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là thông tin về thị trường, việc tắc đầu ra khiến nông sản phải giải cứu liên miên là một ví dụ điển hình. Do đó, một trong những việc quan trọng mà các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm để hỗ trợ DN là phải làm tốt thông tin thị trường để cung cấp cho DN.
Cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu là trọng tâm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới -WEF trong giai đoạn tới. Hai bên đã cùng ký thỏa thuận đối tác vào năm ngoái, tập trung hợp tác vào 5 lĩnh vực ưu tiên cần cải cách: Tiến bộ kinh tế tương lai, an ninh lương thực, thương mại đầu tư, tương lai của kinh tế số, và chuỗi sản xuất.
Phạm Phước Vinh
Bí quyết sống thọ của người Tây Ban Nha: Ngủ trưa, đạp xe, ăn uống lành mạnh
Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby