Một lần nữa, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Trung Quốc lại kiến nghị cần chấm dứt thực trạng “phạt cho tồn tại” đang diễn ra hiện nay.
Phải chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”
Đại biểu Dương Trung Quốc bức xúc nói: “Đây cũng là lần thứ ba tôi muốn nhắc lại trên diễn đàn này với Thủ tướng về kiến nghị là Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”.
Đại biểu Dương Trung Quốc lấy ví dụ những vụ việc còn nóng hổi: Những vụ việc diễn ra như ở Hải Phòng, cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội), rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm.
Hình thức “phạt cho tồn tại” đang gặm nhấm sự nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cho hành vi tham ô, tham nhũng, làm hư hỏng cán bộ. Ở một số vụ việc, dù biết rõ sai phạm, nhưng cán bộ quản lý đã buông lỏng, làm ngơ vì đã bị chủ đầu tư, chủ công trình mua chuộc hoặc có lợi ích liên quan.
Có vụ việc, người đứng sau những công trình-dự án sai phạm lại là người có quyền lực trong hệ thống chính quyền. “Phạt cho tồn tại” khi diễn ra ở nơi này thì chính quyền nơi khác lại có cớ để làm theo. Cứ như vậy, tích tụ lâu dài tạo sự bức xúc trong nhân dân, làm giảm hiệu lực của pháp luật, giảm sức mạnh của hệ thống chính quyền.
Do đó, tình trạng “phạt cho tồn tại” cần được chấm dứt sớm. Bên cạnh việc nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị của cán bộ quản lý, việc hoàn thiện các quy định pháp luật cũng cần được thực hiện thường xuyên, cùng với đó là đề cao vai trò giám sát của nhân dân và công luận.
“Chúng tôi rất mong, rất cần thiết có lộ trình để luật pháp được thực thi và đó là cách tốt nhất bảo vệ cán bộ của chúng ta” -Đại biểu Dương Trung Quốc chốt vấn đề.
Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa
Trả lời về bức xúc của Đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những mục tiêu, quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”.
Để đạt được điều đó, Chính phủ xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Theo Thủ tướng, “phạt cho tồn tại” đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải…. Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.
Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, giao thông vận tải… nhưng vẫn là chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị.
Chính vì vậy, để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hết sức phục vụ nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức, nhất là những điều kiện làm nảy sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng, trong đó nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà “phạt cho tồn tại” là một biểu hiện.
Để làm được điều này, trước hết các cấp, các ngành phải tăng cường tính minh bạch, tính nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra.
Chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện những trường hợp xử lý không kiên quyết, không dứt điểm đối với vi phạm hành chính; Mặt khác cũng cần phải tăng cường lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức tốt và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc để bảo đảm cán bộ có đủ điều kiện thi hành các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định.
Phước Vinh