Năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%.
2018 với nhiều con số ấn tượng
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp đầu năm 2019, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ: Năm 2018, ngành có mức tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục trên 40 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp mới thành lập, tăng hơn 12% so với 2017. Đến nay, cả nước có hơn 9.200 doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 40 tỉ USD là nhờ sự tăng trưởng đều khắp của các ngành, lĩnh vực. Lĩnh vực chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh xuất sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản…
Ngành thủy sản năm 2018 tiếp tục thành công, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, tăng 6,1%. Trong đó: Khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 5,5%; Nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%; Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).
Công nghiệp chế biến tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu. Năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng được khởi công và khánh thành, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của ngành.
Năm 2018, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhiều khó khăn, vướng mắc thị trường được tháo gỡ, nhất là những thị trường lớn, ví dụ như: Thịt bò, sữa vào Malaysia; Thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; Thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; Thịt gà vào Nhật Bản; Thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; Vú sữa vào Hoa Kỳ; Chôm chôm vào New Zealand; Chanh leo vào EU…
Năm 2019 chinh phục đỉnh cao mới
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%. Bộ NN&PTNT nhìn nhận nông nghiệp-nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể:
Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại, đặc biệt CPTPP và EVFTA.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nhiều rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung-cầu còn bất cập. Do đó cần chú trọng công tác dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông-lâm-thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Dịch bệnh trên cây trồng-vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.
Những thách thức cần vượt qua
Vấn đề đất đai luôn được mọi người quan tâm trong thời gian qua, trong hội nghị lần này cũng được đem ra mổ xẻ. Bà Võ Thị Ánh Xuân -Bí thư Tỉnh ủy An Giang, kiến nghị: “Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có thêm nhiều chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai tạo điều kiện tích tụ ruộng đất”.
Đánh giá vấn đề tích tụ ruộng đất hiện là một trong những khó khăn hàng đầu của tái cơ cấu nông nghiệp, ông Đặng Ngọc Sơn -Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất: “Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu bổ sung một số chính sách phát triển nông nghiệp, hướng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phù hợp với lợi thế địa phương, làm động lực cho địa phương phát triển”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Ngoài nút thắt đất đai thì cần chỉ ra và thảo luận những nút thắt khác. Nhiều nơi chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi đến chốn nên nông nghiệp chưa phát triển được, vậy nút thắt trong thể chế là gì ?
Thách thức khi hội nhập đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp, như những vụ kiện nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các nút thắt không chỉ giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân mà phải hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, trách nhiệm chính trị phải bảo vệ người dân không thể để nền nông nghiệp bẩn”.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại
Tàu cá Khánh Hòa gặp nạn trên biển Vũng Tàu, 10 ngư dân mất tích