Ở Sóc Sơn, người dân khẳng định mình không sai khi đã có sự xác nhận của chính quyền là không phải đất rừng. Nguyên Chủ tịch xã Minh Phú -người xác nhận các giấy tờ liên quan, đã lên tiếng.
Những bức xúc của 18 hộ dân trong các công trình được cho là nằm trong rừng phòng hộ xã Minh Phú nảy sinh từ việc họ một mực cho rằng không vi phạm pháp luật khi thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, được giao đất để phát triển kinh tế. Người dân khẳng định “dân có trước, rừng có sau”, thời điểm đến khai hoang phát triển kinh tế là trên những mảnh đất trống đồi trọc và bắt đầu trồng rừng.
Bà Vũ Thị Hải, người nhận chuyển nhượng đất năm 2004 cho biết: “Thời điểm tôi lên đây, trước khi nhận chuyển nhượng đất, tôi được biết đất này có giấy chứng nhận của xã là đất trồng cây lâm lộc, hoa màu chứ không phải đất rừng, nếu biết là đất rừng thì chúng tôi không bao giờ động vào”.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV Người Đưa Tin đã tìm gặp vị nguyên Chủ tịch xã Minh Phú, người trực tiếp ký những xác nhận thời điểm đó -ông Dương Ngọc Oanh. Hiện ông Oanh vẫn đang sinh sống tại xã Minh Phú – chủ sở hữu một căn nhà kiên cố, bề thế tại đây.
Tiếp PV tại phòng trà của gia đình, ông Oanh trần tình về lý do ký quyết định chuyển giao hàng nghìn mét vuông đất cho các hộ nông dân năm 2004.
Ông Oanh cho biết: “Tôi chỉ ký hợp đồng chuyển giao tài sản lâm lộc, cây cối trồng trên đất thôi, chứ không hề ký xác nhận đấy không phải là đất rừng. Theo quy định, đất rừng vẫn được chuyển giao từ người này sang người khác quản lý, nên tôi đã xác nhận cho người ta có quyền chuyển giao, chứ không phải được quyền chuyển nhượng”.
Cũng theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, thời điểm năm 2004 tại xã Minh Phú-H.Sóc Sơn, người được giao đất quản lý không có điều kiện quản lý sẽ đề nghị với chính quyền để chuyển giao quyền quản lý, sử dụng cho người khác.
Trước khẳng định của người dân về “dân có trước, rừng có sau”, nguyên Chủ tịch xã Dương Ngọc Oanh cũng đã trao đổi: “Tức là, từ cái thời kỳ ban đầu ở đây khi Nhà nước giao đất rừng thì người dân đã ở trước đó sẵn, rồi họ mới nhận đất trồng rừng. Nhưng những người đầu tiên nhận đất đó lại không phải những người đang quản lý bây giờ. Luật chỉ cho phép làm những ngôi nhà nhỏ, nhà tạm để trông coi đất chứ làm biệt thự thì không được”.
Tuy vậy, những lời trần tình của ông Dương Ngọc Oanh vẫn chưa khiến nhiều người dân hài lòng, chấp nhận bị cưỡng chế diện tích đang sử dụng. Theo quy định, những hộ dân được giao đất sẽ được xây dựng trong khoảng phạm vi nhất định để thực hiện quản lý tài sản trên mảnh đất được giao. Ông Sơn, một hộ dân được nhận đất từ năm 2004 cũng khẳng định mình thực hiện đúng chính sách của Nhà nước, không xây dựng vượt quá 200m2, ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.
Để biết chính xác hướng xử lý các công trình đó, phải xác định rõ quy mô và mức độ ảnh hưởng đến rừng, muốn rõ ràng, phải đợi kết quả thanh tra trong thời gian tới.
Theo Nguoiduatin
Nhà hát nghìn tỷ: Cộng đồng mạng hoan hô gốm sứ Minh Long lột bỏ hình ảnh ca sĩ Mỹ Linh
Bí quyết sống thọ của người Tây Ban Nha: Ngủ trưa, đạp xe, ăn uống lành mạnh
An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Trò PR bẩn và hệ quả còn lại