Về trang chủ Chưa được phân loại Vốn tín dụng cho HTX: Trên mở dưới đóng

Vốn tín dụng cho HTX: Trên mở dưới đóng

Phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Quán triệt đường lối trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt nhằm khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình HTX.

NHNN: Dành chính sách tốt nhất cho HTX vay vốn
NHNN đang áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các HTX ở mức 6,5%/năm, thấp hơn 1 – 2% so với mặt bằng lãi suất chung. NHNN cũng đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho HTX, Liên hiệp HTX vay tiền từ các tổ chức tín dụng (TCTD) không có tài sản bảo đảm tối đa 1 – 3 tỷ đồng.

Thậm chí, các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70 – 80% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.

Ngoài tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng đều đưa ra điều kiện cho vay là phải có “phương án sản xuất-kinh doanh hiệu quả”, đây là bài toán khó cho các HTX.

“Nhờ những biện pháp trên, tổng dư nợ tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đến 31/3/2018 đạt 5.157 tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối năm 2017 với khoảng 1.300 HTX, Liên hiệp HTX còn dư nợ tại các TCTD” -Báo cáo của NHNN nêu rõ.

Tổ chức tín dụng sợ mất vốn
Tại Hội nghị Tổ chức lại sản xuất lúa gạo và Liên kết sản xuất  do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Thấm -Giám đốc HTX  Dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ (Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp) nêu thực tế: Các ngân hàng cho vay thường yêu cầu phải có thế chấp, từ trước đến nay HTX Đức Huệ chưa tiếp cận được nguồn vốn của bất cứ ngân hàng nào.

“Chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 21.000 HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng” -ông Phạm Công Bằng -Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, cho biết. Trong đó, tỷ lệ HTX nông nghiệp có khả năng tiếp cận vốn, thậm chí còn thấp hơn.

Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định: Căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc-lãi. Thế nhưng, các TCTD ở địa phương thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới được lập hồ sơ vay mới.

Do hoạt động trên nguyên tắc “bảo toàn vốn và bảo đảm khả năng sinh lời” là lý do khiến các TCTD thường rất thận trọng cho các HTX vay vốn. Thiếu tài sản bảo đảm, không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh… nên các HTX không thể thuyết phục TCTD để tiếp cận được nguồn vốn.

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX: Nguồn vốn còn hạn chế
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng. “Việc tăng nguồn vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đang là bài toán khó cho chính Liên minh HTX Việt Nam và các địa phương” -ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ.

Ông Huỳnh Kim Khuê -Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển HTX Đồng Tháp, cho biết: Quỹ chỉ xét duyệt cho các HTX vay vốn theo 2 hình thức: 1/Có phương án sản xuất-kinh doanh và thời gian sớm nhất có thể sinh lợi nhuận; 2/Thanh toán trực tiếp cho bên thứ 3 (bên cung ứng, lắp đặt thiết bị sản xuất cho HTX) theo từng đợt thanh toán hợp đồng lắp đặt thiết bị.

Thực tế, hầu như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Đồng Tháp chỉ cho vay theo trường hợp thứ hai. Với trường hợp thứ nhất, rất ít hợp tác xã có thể trình được phương án sản xuất-kinh doanh hiệu quả. Theo quy định, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phải có phương án cho vay và thu hồi vốn vay hiệu quả. Do đó, HTX cũng phải có một phương án sản xuất-kinh doanh đảm bảo, thay cho các loại tài sản thế chấp.

Ông Võ Lợi Dân -Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Phú An (Phú Tân, An Giang) chia sẻ: Yêu cầu đầu tiên để HTX tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ phát triển HTX là phương án kinh doanh phải cụ thể, báo cáo tài chính rõ ràng.  Bên cạnh đó, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản của các thành viên phải đảm bảo ổn định và hiệu quả. Điều này quá khó.

Từ những khảo sát thực tế ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng HTX được tiếp cận vốn vay không nhiều. Hầu hết đều do Ban Quản trị HTX tự thế chấp tài sản cá nhân để huy động nguồn vốn cho HTX. Có trường hợp, HTX có tài sản riêng là bất động sản, nhưng mức vốn huy động được lại thấp hơn so với giá trị tài sản, cũng đã gây không ít khó khăn cho các HTX này.
Phạm Phước Vinh -Langmoi-vn

Tạm nhập-tái xuất: Nguy cơ Việt Nam thành trạm trung chuyển hàng nông sản né thuế

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby


Có thể bạn quan tâm