Về trang chủ Giải trí Trào lưu TikTok lợi bất cập hại?

Trào lưu TikTok lợi bất cập hại?

TikTok đang là ứng dụng video phổ biến nhưng cũng là môi trường mạng ẩn chứa nhiều sản phẩm có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Những trò chơi khăm, những “trend” (xu hướng) độc hại trên nền tảng mạng xã hội Tiktok đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành động của trẻ em.

Bắt “trend” quá đà

Mỗi video trên TikTok chỉ khoảng vài chục giây nhưng sức truyền đạt thông tin, hình ảnh bắt mắt, nền nhạc hấp dẫn thu hút đông đảo bạn trẻ theo dõi. Tuy nhiên, không ít những clip phản cảm được nhiều bạn trẻ thực hiện để sống ảo, câu “view”, từ việc “ăn mặc hở đủ chỗ” đến cố tình “khoe khéo những điểm nhạy cảm trên cơ thể”… Bên cạnh đó, không ít trào lưu thử thách người chơi như “Ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân”, “Tự tẩy trắng răng tại nhà bằng baking soda”… được nhiều bạn trẻ tiếp cận.

Các trào lưu so sánh các bộ phận cơ thể vào một định mức nhất định như: vòng eo nhỏ bằng giấy A4, xương quai xanh đựng vừa quả trứng, đồng xu.

Gần đây, người dùng mạng xã hội không còn xa lạ với clip “dọa ma”, phụ huynh sẽ khóa trái cửa sau đó nhốt con trong phòng để theo trào lưu trên TikTok. Đáng chú ý, các em nhỏ trong clip trên đều tỏ ra hốt hoảng, sợ hãi, la hét, đập cửa… nhưng lại thu hút hàng triệu lượt người xem, tương tác. Người sử dụng cũng dễ dàng tìm các từ khoá “dọa ma trẻ em”, “bố mẹ dọa ma con và cái kết”… trên ứng dụng TikTok. Theo một số chuyên gia tâm lý, trò đùa tưởng chừng vô hại này có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ nhỏ.

Là phụ huynh có con học lớp 5 rất mê TikTok, Anh Vũ Văn Vụ ở huyện Bình Giang cho biết chỉ vì bắt “trend” trên TikTok với trò “Thử thách mật ong đông lạnh” nên con trai anh đã tự pha chế đồ uống bằng cách trộn mật ong với tương ớt, trà sữa sau đó ăn thì bị buồn nôn, đau bụng.

Chị Nguyễn Hương Trà (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trước đây chị thường cho con gái 6 tuổi mượn điện thoại để xem Tiktok, thỉnh thoảng thấy con bắt chước một vài câu nói, một điệu nhảy hay một bài hát đang “hot trend” trên Tiktok cũng vui cửa vui nhà.

“Nhưng một hôm tôi vô tình phát hiện ra, con gái cố tình kéo áo lên cao để hở khoảng bụng trên rốn, rồi đứng trước gương uốn éo, miệng nhẩm theo một điệu nhạc. Hỏi con đang làm gì thì con nói đang học điệu nhảy trên Tiktok vì thấy hấp dẫn”, chị Trà kể.

Tiềm ẩn nguy hại

Vào tháng 9/2021, một trào lưu kỳ quặc trên Tiktok lan truyền tại nhiều quốc gia, đó chính là trào lưu đập phá, lấy cắp tài sản trong trường học. Các thiết bị trong trường học từ hộp đựng xà bông, nước rửa tay, giấy vệ sinh, gương nhà vệ sinh, tới thiết bị báo cháy hay các món đồ trên bàn giáo viên, đều bị lấy đi hoặc bị hủy hoại. Việc này được các em học sinh quay lại để khoe trên Tiktok và gắn hashtag #deviouslicks và #diabolicallicks.

Dần dần, các em học sinh nâng mức độ “hung hăng” hơn khi quay các clip tháo gỡ gạch, lan can và cả bồn cầu trong nhà vệ sinh trường học. Ban đầu có gần 100 ngàn clip được gắn các hashtag này, theo trang Know Your Meme (Mỹ) nhưng đã được ngăn chặn bớt. Tuy nhiên, sau đó, rất nhiều clip tương tự vẫn được tìm thấy. Điều nguy hiểm là các clip này thu hút rất đông lượt người xem.

Trào lưu phá hoại trường học trên Tiktok. Ảnh: NYT

Trào lưu mài răng và ăn ngô được gắn trên máy khoan điện là một trong các trào lưu ghê rợn nhưng cũng khiến trẻ em tò mò theo dõi. Trên Tiktok đã từng xuất hiện clip 1 bạn thiếu niên khởi động máy khoan đã cắm bắp ngô, sau đó há miệng.

Chỉ ít giây sau, bắp ngô vừa chạm vào miệng đã khiến 4-5 chiếc răng cửa văng ra luôn. Đây chỉ là 1 trong số clip thể hiện tai nạn của trào lưu mài răng này. Và thật đáng sợ là các clip kiểu này lại khiến trẻ dưới 16 tuổi háo hức theo dõi.

“Thử thách ngạt thở” (Blackout Challenge), 1 trào lưu khác trên Tiktok cũng đã “càn quét” trên mạng xã hội này một thời gian. Người chơi được khuyến khích dùng các vật dụng trong nhà như sợi dây nào đó có sẵn trong nhà, sau đó siết cổ cho tới khi cảm thấy ngạt thở vài giây và tỉnh lại.

Vào ngày 13/5/2022, trang SCMP đã đưa tin gia đình của 1 cô bé 10 tuổi đã kiện Tiktok Inc. vì cô bé này được cho là đã thực hiện “Thử thách nghẹt thở” trên trang mạng xã hội Tiktok. Khi được phát hiện ra, cô bé được đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn. Sau 5 ngày trong phòng cấp cứu, cô bé đã tử vong.

Với những “trend” quá đà nhan nhản trên nền tảng TikTok, gây hại đến người dân, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đưa ra những chế tài xử phạt để tránh những hậu quả xấu xảy ra.

Quỳnh Chi tổng hợp

 

Có thể bạn quan tâm