Về trang chủ Xã hội Cơ hội nào cho Việt Nam trong tầm nhìn mới của Pháp?

Cơ hội nào cho Việt Nam trong tầm nhìn mới của Pháp?

“Hãy chọn nước Pháp” là thông điệp mà Tổng giám đốc Thương vụ Pháp, ông Laurent Saint-Martin gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua.

Lời kêu gọi của ông Laurent Saint-Martin được đưa ra khi Pháp đang ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam trong chiến lược mở rộng hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Là quốc gia duy nhất trong ASEAN có thỏa thuận EVFTA, Việt Nam có thể đóng vai trò cửa ngõ để hàng hóa Pháp gia nhập thị trường và đi sâu ra các quốc gia khác trong khu vực.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Trong ASEAN, chỉ Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều đó chứng tỏ Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong giao thương kinh tế, và cả chính trị.”

Theo ông Olivier Brochet, hai nước nên tận dụng hiệu quả EVFTA không chỉ để nâng cao giá trị thương mại song phương giữa hai quốc gia, mà còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm để tiến ra thị trường châu Âu và thế giới. “Triển khai hiệp định này cũng là tạo điều kiện cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn. Điều đó sẽ hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam và đóng góp tích cực vào quá trình cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam”, ông Olivier Brochet nhấn mạnh.

Không quá “ồn ào” như một số khoản đầu tư nước ngoài khác, nhưng hiện đã có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đặt dấu ấn kinh doanh tại Việt Nam. Đầu tư của Pháp khá đa dạng, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cho tới các công ty thuộc nhóm CAC40 (các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Paris). Nhiều lĩnh vực cũng được doanh nghiệp Pháp cho rằng có nhiều cơ hội tại Việt Nam, từ cơ sở hạ tầng giao thông, bán lẻ cho tới dược phẩm, y tế hay máy móc công nghiệp.

Pháp coi trọng đầu tư chất lượng cao từ Việt Nam

Không chỉ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, Pháp đang kỳ vọng lớn vào dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, chuyển đổi số hay bán dẫn.

“Chúng tôi đang đồng hành với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tại Pháp, như Vinfast, FPT Software… – những doanh nghiệp đã đầu tư vào Pháp trong một thời gian dài”, ông Laurent Saint-Martin nói với Diễn đàn Doanh nghiệp, cho rằng các sản phẩm công nghệ của Việt Nam đang có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu.

Chiến lược France 2030 có nhiều điểm tương đồng với chiến lược phát triển của Việt Nam

“Điều đó cho thấy các sản phẩm và giải pháp phần mềm của Việt Nam rất hữu ích và chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới Việt Nam còn có thể cung cấp nhiều sản phẩm khác nữa, ví dụ như phần mềm ứng dụng trên xe hơi,” ông Laurent Saint-Martin nói.

Năm 2022, Paris đã công bố chiến lược France 2030 với khoản tài trợ 54 tỷ euro hướng tới các mục tiêu tham vọng như “tái công nghiệp hóa”, giảm phát thải hay đổi mới sáng tạo. Theo các nhà ngoại giao Pháp, chiến lược này có nhiều điểm tương đồng với định hướng phát triển nền kinh tế của Việt Nam và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp hai bên.

Trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam có thể hưởng lợi từ hợp tác với Pháp trong các lĩnh vực mà nước này đi đầu như năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo, hay y tế và dược phẩm. Đổi lại, Pháp đặt kỳ vọng sẽ thu hút thêm đầu tư của Việt Nam vào pin xe điện, đổi mới sáng tạo hay chất bán dẫn – những trụ cột trong chiến lược tái công nghiệp hóa của Pháp.

Bên cạnh các ưu đãi ngành, cải cách thuế cũng là một giải pháp được đưa ra nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Pháp đã giảm từ 33% xuống 25% kể từ năm 2017, hay Luật lao động cũng trở nên linh hoạt hơn là một ví dụ.

Hướng tới hợp tác kinh tế giá trị cao

Tất nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản mà hai quốc gia cần giải quyết để đột phá về thương mại và kinh tế. Đại sứ Pháp cho biết Việt Nam nên cân nhắc gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng thực phẩm và dược phẩm của EU vào Việt Nam. Hay vấn đề thị thực cho chuyên gia nước ngoài cũng đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Brochet chỉ ra Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình nâng cao giá trị sản xuất trước xu hướng lợi thế chi phí lao động dần thoái trào. Ở đó, Việt Nam có thể tập trung chuyển hướng theo mô hình kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới và dịch vụ giá trị cao hơn, và Pháp sẵn lòng là một đối tác đi cùng Việt Nam.

Tổng Giám đốc Business France cho biết Pháp rất mong muốn các công ty Việt Nam tăng cường đầu tư và chuyển từ xuất khẩu giá trị thấp sang các lĩnh vực đột phá mà Pháp đang chú trọng, như năng lượng hạt nhân, hàng không và vũ trụ. “Nếu chinh phục được thị trường Pháp, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu”, ông Laurent Saint-Martin nói.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Có thể bạn quan tâm