Về trang chủ Chưa được phân loại TP.HCM: Đầu tàu kinh tế đang chạy về đâu ?

TP.HCM: Đầu tàu kinh tế đang chạy về đâu ?

TP.HCM được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Vậy đầu tàu này đang chạy về đâu, và những toa tàu đang chở gì trên đó?

Đô thị thông minh
Sáng 12/5/2019, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Anh Đức cho biết: Kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 1 đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung, như: Cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, cơ sở dữ liệu đất đai….

Theo đó, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của TP.HCM. Ngoài ra, TP đã triển khai thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y.

TP.HCM với kế hoạch phát triển Đô thị sáng tạo (phần màu vàng) là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, cải thiện giao thông và môi trường, không gian nghỉ ngơi, không gian tương tác, giải trí, cây xanh…

Về xây dựng Trung tâm điều hành chỉ huy của ĐTTM, trong giai đoạn 1, TP.HCM đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, UBND các quận, huyện (Quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp), với hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: Nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự….

Đồng thời, với hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115, hiện nay, người dân TP.HCM khi cần báo tin hoặc sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng trong các trường hợp khẩn cấp, chỉ cần liên hệ một trong các số điện thoại 113, 114, 115 đều được tiếp nhận thông tin và xử lý một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền bản đồ số (GIS) được xây dựng với vai trò một nền tảng tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn TP.HCM gồm: Bưu chính, viễn thông, điện lực, cấp nước….

Về Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải đẩy mạnh dự báo kinh tế của TP năm 2019 và 2020, cũng như chuẩn bị phương án dự báo giai đoạn 2020 – 2025. Đến tháng 10/2019, phải trình cho Thường trực UBND TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy dự báo kinh tế – xã hội trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, các sở chuyên ngành cũng phải làm dự báo để lãnh đạo TP và người dân biết.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu: Trong thời gian tới, Ban Điều hành đề án sẽ tăng tốc thực hiện, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phát huy tiềm lực sáng tạo của người dân để huy động mọi nguồn lực thực hiện đề án, xây dựng ĐTTM gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và thể hiện sự đặc sắc của TP.HCM so với các đô thị thông minh trên thế giới.

Trồng hoa trong nhà lưới tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Nông nghiệp công nghệ cao
Đô thị hóa luôn là sức ép khi diện tích đất nông nghiệp TP.HCM giảm dần qua từng năm, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất trong quá trình chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị sản xuất/ha đã đạt 502 triệu đồng trong năm 2018 (tăng 11,5% so cùng kỳ).

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nói chung của TP.HCM gần gấp đôi bình quân cả nước, với GRDP của TP.HCM tăng 6,2%. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo: Từng bước nhân rộng các mô hình để nông nghiệp thành phố trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Thành phố có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 6150/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, năm 2018 diện tích ứng dụng công nghệ cao là trên 407ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ (389ha), nhờ đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp thành phố. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được chú trọng trong thời gian qua đã hình thành nhiều loại hình và vùng NNCNC ở khu vực nông thôn ngoại thành như:

Trồng rau thủy canh, dưa lưới, trồng ớt ngọt, hoa chuông… trong nhà màng, trên giá thể với hệ thống tưới nhỏ giọt. Tỷ lệ ứng dụng NNCNC đã tăng khá cao giai đoạn 2015 – 2020; Nếu như năm 2010 tỷ lệ này khoảng 10%, năm 2016 là 35,8%, thì năm 2018 là 38,2%, và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.

TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đầu tư 4 dự án: Mở rộng Khu NNCNC 200ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi; Dự án đầu tư xây dựng Khu NNCNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; Dự án mở rộng Khu NNCNC (hơn 23ha) tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; Và dự án xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh.

Việc ứng dụng công nghệ cao được triển khai gắn với điều kiện thực tiễn, cơ giới hóa, tự động hóa và tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Chứng nhận VietGAP đối với cây rau đạt 61%, và chứng nhận VietGAHP chăn nuôi heo 130.500 con, đạt 45%.

Một trong những giải pháp nữa là TP.HCM cũng sẽ có những ưu đãi về vốn, dành khoản vay ưu đãi của Nhà nước (từ các ngân hàng thương mại) để cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường khuyến khích các tổ chức khoa học trong và ngoài nước:

1/Đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; 2/Tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, đồng thời hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp nhận được công nghệ; 3/Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xúc tiến thị trường, tham gia hội nghị hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Cách mạng công nghiệp 4.0
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM diễn ra tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: TP.HCM phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, chính phủ điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh với các thành phố khác. Đồng thời, TP.HCM tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về tài chính – thương mại – khoa học công nghệ  của đất nước và khu vực ASEAN.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong năm 2019, TP.HCM xây dựng khu công nghiệp hơn 360 ha phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, TP tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài lớn đến đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.

TP.HCM sẽ cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiên phong trong việc thí điểm xem xét định giá đất cho phù hợp. Mặt khác, TP có chuyên đề về quản lý rác đô thị, tiếp tục thí điểm đô thị thông minh. Bên cạnh đó, khai thác cơ hội và ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, TP bàn với cơ quan Trung ương để có phương thức huy động hợp tác công tư làm tuyến đường Vành đai 3 và định hướng tuyến đường Vành đai 4.

UBND TP.HCM vừa phê duyệt cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM (các quận 2, 9, Thủ Đức). Phạm vi nghiên cứu quy hoạch là hơn 30.000km2, phạm vi lập hồ sơ thi tuyển là gần 21.200ha, bao gồm diện tích 3 quận trên. 4 nhóm mục tiêu chất lượng đô thị gồm:

Thành phố sáng tạo, đô thị vì con người, cân bằng giữa phát triển và môi trường, di chuyển nhanh và dễ dàng. Trong đó đáng chú ý là mục tiêu người dân có thể đi bộ thuận tiện và an toàn, văn hóa đi lại được chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Trịnh Sướng: 19,5 triệu lít xăng giả ra thị trường, nhiều câu hỏi chờ lời đáp

Chia sẻ kinh nghiệm chế biến sản phẩm nhãn-vải

HLV Park: Có lấn cấn và sai sót khi đưa tuyển Việt Nam tham dự King’s Cup

Có thể bạn quan tâm