Theo tờ The Atlantic, đây là động thái mới nhất trong chính sách hạn chế tị nạn và nhập cư được Tổng thống Trump xem là vấn đề ưu tiên. Hồi tháng Tám, Nhà Trắng từng rút lại kế hoạch trục xuất này song giờ lại thay đổi ý kiến.
Cụ thể, chính quyền Mỹ quyết định những người gốc Việt nhập cư vào Mỹ trước khi hai nước Mỹ – Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1995) sẽ bị xét vào đối tượng áp dụng luật di trú thông thường. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể bị trục xuất.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhập cư.
Hồi năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu theo đuổi chính sách trục xuất những người tị nạn lâu năm đến từ Việt Nam, Campuchia và một số quốc gia khác bị cáo buộc là “người nước ngoài phạm tội bạo lực”.
Vào năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã ký thỏa thuận về việc không trục xuất những người Việt Nam tới Mỹ sinh sống trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Song vào mùa xuân năm 2017, Washington lại đơn phương sửa lại thỏa thuận theo hướng xóa bỏ sự bảo hộ đối với những đối tượng phạm tội nhằm mở lối để chính phủ Mỹ trục xuất một phần người nhập cư gốc Việt tới Mỹ trước năm 1995.
Nhưng tới tháng Tám năm nay, Mỹ rút lại chính sách đó. Song hồi tuần trước, phát ngôn viên giấu tên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội lại cho biết, chính quyền Mỹ một lần nữa thay đổi quan điểm.
Theo Atlantic, người phát ngôn này cho hay Washington tin rằng thỏa thuận năm 2008 không thể bảo vệ những người gốc Việt nhập cư sau năm 1995 khỏi khả năng bị trục xuất.
“Vào năm 2008, Mỹ và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận song phương về việc nhận lại công dân Việt di cư, đồng thời thiết lập quy trình trục xuất người gốc Việt tới Mỹ sau ngày 12/7/1995 và xem họ là đối tượng bị áp đặt lệnh trục xuất.
Tuy quy trình trục xuất trong thỏa thuận này không áp dụng đối với công dân Việt di cư tới Mỹ trước ngày 12/7/1995, nhưng hiện tại, không loại trừ khả năng Mỹ vẫn có thể trục xuất các công dân Việt Nam tới Mỹ trước năm 1995” -người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp mặt đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. Song nguồn tin không tiết lộ thời gian cũng như nội dung của cuộc gặp.
Bà Katie Waldman, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, “5.000 người gốc Việt bị kết án phạm tội đã được lệnh trục xuất. Ưu tiên của chính phủ Mỹ là đưa những người nước ngoài phạm tội về đất nước của họ”.
Trong khi đó, tổ chức Southeast Asia Resource Action Center đặt trụ sở tại Washington D.C cho rằng mục đích của cuộc gặp giữa Bộ An ninh Nội địa Mỹ và đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C là để bàn thảo về những sửa đổi trong thỏa thuận ký kết năm 2008.
Ban đầu, thỏa thuận này có thời gian thi hành là 5 năm và tự động gia hạn 3 năm một lần trừ khi một trong hai bên ngừng tham gia. Nói cách khác, tháng 1/2019 sẽ là thời điểm gia hạn thỏa thuận. Kể từ năm 1998, hơn 9.000 người gốc Việt đã nhận được lệnh trục xuất.
Nhiều người gốc Việt tới Mỹ trước năm 1995 và từng là đối tượng được bảo vệ theo thỏa thuận năm 2008 dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, là những người tị nạn trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam.
Theo ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ tháng 12/2014 – 10/2018, động thái của chính quyền Trump dựa trên cách diễn giải hoàn toàn mới liên quan tới bản thỏa thuận năm 2008. Ông Osius nhấn mạnh, trong thời gian ông giữ chức đại sứ tại Việt Nam, các bên liên quan trong thỏa thuận năm 2008 đều đồng tình với việc cấm trục xuất công dân Việt di cư tới Mỹ trước năm 1995.
“Chúng tôi hiểu rõ thỏa thuận năm 2008 nghiêm cấm trục xuất người Việt tị nạn tới Mỹ trước năm 1995. Cả chính phủ Mỹ và Việt Nam cùng cộng đồng người Mỹ gốc Việt đều hiểu như vậy”, Atlantic dẫn email trả lời của ông Osius.
Cũng theo ông Osius, Bộ Ngoại giao Mỹ từng giải thích vấn đề này cho Nhà Trắng cũng như Cục Kiểm soát di trú và hải quan Mỹ.
“Cách đây 43 năm, nhiều cộng đồng người Đông Nam Á và người gốc Việt phải rời bỏ quê hương vì những cuộc chiến mà Mỹ tham gia, để tìm kiếm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Mỹ cần nhớ lấy điều đó”, ông Kevin Lam, Giám đốc tổ chức Asian American Resource Workshop nhấn mạnh.
Theo MSN-Infonet
AFF Cup: Giữa cơn bão khan vé, Vợ Thứ trưởng khoe có 6 vé ưu ái
Bắc Ninh: Chủ tịch thị trấn vào nhà nghỉ với phụ nữ để cọc tiền mua đất
AFF Cup: Giữa cơn bão khan vé, Vợ Thứ trưởng khoe có 6 vé ưu ái