Về trang chủ Chưa được phân loại Thị trường Trung Quốc: Cơ hội lớn cho nông-thủy sản Việt Nam

Thị trường Trung Quốc: Cơ hội lớn cho nông-thủy sản Việt Nam

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chiếm 10% toàn cầu. Tháng 1-7/2018, kim ngạch nhập khẩu nông-thủy sản của Trung Quốc đạt 80,5 tỷ USD.

Năm 2017, trong 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm 76% giá trị.

Dấu ấn cá tra 2017: Khủng hoảng Âu-Mỹ, xuất hiện thị trường Trung Quốc
Năm 2017, ngành sản xuất cá tra lao đao trong bối cảnh các thị trường Mỹ, Âu liên tục sụt giảm vì các hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, truyền thông xấu… thì Trung Quốc nổi lên như một thị trường có sức tiêu thụ đầy hấp dẫn, và là một trong những thị trường lớn giúp ngành thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD.

Sản phẩm cá tra Việt Nam rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Ông Vĩ Tích Thành -Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, cho biết: Cá tra, cá basa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại đại lục vì người Trung Quốc thích ăn lẩu, mà cá tra, cá basa là loại nguyên liệu rất ngon để nhúng lẩu. Riêng tại 2 thành phố Tứ Xuyên và Trùng Khánh, cá tra, cá basa Việt Nam có sức tiêu thụ rất mạnh, vì đây là các tỉnh nằm sâu trong lục địa, dân số hơn 100 triệu người nên nhu cầu về thủy-hải sản rất cao.

Theo ông Dương Ngọc Minh -Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương: Thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về cá tra Việt Nam, bởi nhiều nhà hàng tại đại lục đã sử dụng cá tra như một nguyên liệu quan trọng phục vụ khách hàng với nhiều món ăn chế biến theo cách riêng. Điều này cho thấy giá trị dinh dưỡng, hương vị con cá tra Việt Nam phù hợp với khẩu vị người Trung Quốc.

Báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 3 quý vừa qua, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 376,8 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Từ nay cho tới cuối năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc được dự báo tăng trưởng ổn định.

Nông sản Việt phải nâng chất để có thể xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, Bình Dương.

Dư địa tăng trưởng tốt, thuận lợi trong giao thông
Cá tra chỉ là một phần trong nhóm hàng nông-thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gạo, cao su sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch lần lượt 1 tỷ USD, 1,5 tỷ USD. Cũng năm 2017, trong 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm 76% giá trị, tương đương khoảng 2,66 tỷ USD.

Nếu lấy con số 2,66 tỷ USD này so với 80,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu nông-thủy sản của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018, sẽ thấy dư địa để tăng trưởng còn rất lớn, nếu hàng hóa của VN được thị trường chấp nhận.

Ông Vĩ Tích Thành chia sẻ: ” Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chiếm 10% toàn cầu. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng hàng nông-thủy sản của Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt hàng nông-thủy sản Việt Nam còn có lợi thế về đường vận chuyển do hai nước có chung biên giới, người dân Trung Quốc đã biết rất rõ về nông-thủy sản Việt Nam, như: Thanh long, vải, gạo, điều, cà phê, cá tra, cá basa…”.

Nếu sản xuất, kinh doanh tốt, nông-thủy sản Việt Nam không chỉ tăng giá trị mà còn mở rộng được mặt hàng. Thị trường Trung Quốc rộng lớn vì là quốc gia đông dân nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục, hiện nay đã đạt 8.000USD/năm, đặc biệt là tầng lớp trung lưu tăng khá nhanh. Người dân Trung Quốc rất sành ăn, đang chuyển dịch theo xu hướng từ ăn no sang ăn ngon, lại rất e ngại về chất lượng sản phẩm nội địa do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu.

Nhưng không phải cái gì cũng bán được
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng phối hợp với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam (DAA), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) diễn ra hồi cuối tháng 8/2018 tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Toản -Quyền Cục trưởng Agrotrade, khẳng định thị trường Trung Quốc đã khác xưa nên cần cách tiếp cận mới theo hướng nâng dần xuất khẩu chính ngạch.

Ông Vĩ Tích Thành cho biết: “Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích doanh nghiệp nước mình nhập khẩu nhiều hơn nông sản từ Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại hai bên. Tuy nhiên, thời gian qua, có đến 60%-70% nông-thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, hoạt động xuất khẩu do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện.

Nông sản Việt Nam sản xuất thiếu tiêu chuẩn, chất lượng không đồng đều, thiếu thương hiệu. Trung Quốc đông dân, tiêu thụ lớn nhưng đừng nghĩ mang gì sang cũng bán được, mà cần phải tìm hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng”.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Vốn tín dụng cho HTX: Trên mở dưới đóng

Tạm nhập-tái xuất: Nguy cơ Việt Nam thành trạm trung chuyển hàng nông sản né thuế

Ninh Thuận: Tháp Chàm huyền bí với loài cây tình yêu

Có thể bạn quan tâm