Diễn đàn “Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp” do Học Viện khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức nhằm tăng cường trao đổi hợp tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, tạo thị trường cho các sản phẩm nghiên cứu.
Tạo cầu nối sáng tạo với thương trường
Đây là hoạt động nhằm kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp cho Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mô hình liên kết giảng dạy-nghiên cứu khoa học-sáng chế và khởi nghiệp này phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn, TS.Dương Trọng Hải -Viện KH&CN Industry 4.0, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã giới thiệu Sàn tri thức Novenlind: Đổi mới-Sáng tạo-Kết nối-Mạng lưới giải pháp, đây là nền tảng kế thừa và kết nối khoa học và công nghệ dựa trên liên minh chiến lược, gắn kết cộng sinh giữa cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu-phát triển, tổ chức hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hỗ trợ gián tiếp và các cơ quan Nhà nước.
Diễn đàn cũng đã trao đổi về nguồn vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Diễn đàn, TS.Cấn Văn Lực -Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV, đã chia sẻ về các yếu tố doanh nghiệp khởi nghiệp nên thực hiện, trong đó có đề xuất tạo ra những chương trình, dự án phối hợp để kêu gọi các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và định hướng, đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nghiên cứu sinh để giúp họ khởi nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, GS.TS.Nguyễn Quang Thạch -Viện trưởng Viện sinh học nông nghiệp TP.HCM, trao đổi về một số kết quả nghiên cứu công nghệ mới áp dụng trong nông nghiệp Việt Nam. GS.Thạch nhấn mạnh: “Việc áp dụng công nghệ tiên tiến mới vào sản xuất là hướng đi quan trọng và tất yếu cho sự phát triển của nền nông nghiệp”.
Ông Phan Văn Hiệu -Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP dược mỹ phẩm CIV, nhận định: “ Nếu các nghiên cứu phục vụ đúng nhu cầu thực tế thì chắc chắn được đón nhận nhanh. Các nhà nghiên cứu cần chuyển đổi các khái niệm và thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ thông thường. Sẵn sàng chuyển hóa các kết quả nghiên cứu bằng sáng chế, tung sản phẩm ra thị trường”.
Cần xây dựng thị trường khoa học
Đến thời điểm này, VAST là viện nghiên cứu dẫn đầu cả nước về số bằng sở hữu trí tuệ, số công bố quốc tế và đã có hàng trăm các sản phẩm được thương mại hóa.
Riêng năm 2017, các sản phẩm nổi bật được chuyển giao như: Công nghệ chế tạo màng bao gói ức chế tác nhân gây hư hỏng; Plasma lạnh chữa vết thương hở; Máy lọc nước GFLife nguyên khoáng; Máy kiểm tra chất lượng vàng, bạc…; Nhiều chế phẩm nano phục vụ trong nông nghiệp, nghiên cứu về vũ trụ, địa chất, tài nguyên sinh vật, an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin… đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng cần có thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. TS.Hà Quý Quỳnh -Trưởng ban Ứng dụng và Phát triển-VAST đề xuất:
“Triển khai thí điểm các phòng thí nghiệm liên kết giữa viện chuyên ngành và doanh nghiệp công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển. Xây dựng quy chế quản lý tài sản trí tuệ, xác lập rõ quyền và khai thác thương mại hiệu quả các tài sản trí tuệ được tạo ra trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các đơn vị và cá nhân”.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phan Văn Hiệu cho rằng: Nên hình thành thị trường khoa học. Theo đó, muốn có thị trường thì phải có luật chơi, phải có các quy định về trách nhiệm của người mua (doanh nghiệp) và người bán (các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học) và cơ quan điều tiết thị trường (cơ quan quản lý bằng các cơ chế).
Cơ chế phải được luật hóa thành những quy định rõ ràng, đặc biệt là trong những vấn đề: Minh bạch thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học (bao gồm: khả năng ứng dụng, mức độ hoàn thành, chi phí hoàn thiện sản phẩm, khả năng phát triển và cải tiến, năng lực khoa học, cơ sở vật chất kỹ thuật…); Cơ chế định giá các kết quả nghiên cứu; Cơ chế hợp tác; Sở hữu trí tuệ; Vấn đề truyền thông, quảng bá các sản phẩm KH-CN….
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn
Du lịch nông nghiệp: Đầu tư đúng để du lịch và nông nghiệp cùng phát triển
Quảng Ngãi: Cá chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng
Quảng Ngãi: Cá chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng
Quảng Ngãi: Cá chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng