Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 3,1 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam (VN) đang xuất khẩu rất nhiều loại nông sản của nước thứ ba, theo hình thức tạm nhập-tái xuất. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.
Xuất khẩu giùm nông sản của nước thứ ba
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của VN sang Trung Quốc (TQ) đạt hơn 1,7 tỉ USD. Đáng chú ý, một lượng lớn kim ngạch trái cây xuất khẩu sang thị trường này có xuất xứ từ Thái Lan (TL).
Riêng trong nửa đầu năm 2018, trái cây xuất xứ TL chiếm đến 320 triệu USD (tương đương gần 22%) tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của VN sang thị trường TQ. Nếu so tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ TL đạt 333,3 triệu USD, trừ đi kim ngạch xuất khẩu sang TQ 320 triệu USD, thì lượng hàng để lại VN tiêu thụ chỉ khiêm tốn ở con số 13,3 triệu USD, chiếm khoảng 4%.
Xem xét chủng loại mặt hàng, gần 100% nhãn tươi, nhãn khô, sầu riêng, măng cụt… mà VN nhập khẩu từ TL về đều đem xuất khẩu sang TQ. Với thuế nhập khẩu 0% từ các nước ASEAN, trái cây TL tạm nhập vào VN rồi tái xuất sang TQ ngày càng tăng mạnh.
Tại Hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN” diễn ra ở TP.HCM ngày 24/10/2018, TS.Trần Du Lịch -Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cảnh báo: “Nếu như doanh nghiệp trong nước làm theo kiểu đưa khoai tây TQ sang VN nhuộm đất, rồi đội lốt khoai tây Đà Lạt để xuất khẩu sang Mỹ là sẽ tự giết mình. Nếu các hàng hóa nông sản khác mà cũng làm như kiểu này để xuất khẩu là làm hại cả quốc gia”.
Nguy cơ thứ nhất: Số liệu không minh bạch sẽ phá vỡ quy hoạch
Dù cho rằng việc VN nhập khẩu nông sản ở nước thứ ba rồi xuất khẩu là bình thường, nhưng TS Võ Mai -Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN lưu ý: “Nếu số liệu thống kê nhập nhằng, lẫn lộn giữa hàng tạm nhập-tái xuất với hàng xuất khẩu của VN sẽ gây ngộ nhận về thành tích xuất khẩu nông sản. Dẫn tới việc doanh nghiệp, trang trại, nông dân… ồ ạt đầu tư trồng loại nông sản mà theo thống kê VN xuất khẩu (nhưng thực chất là của nước thứ ba) sẽ dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra”.
“Do đó, tôi cho rằng không chỉ phải thông tin rõ ràng về số liệu xuất nhập khẩu rau quả, mà còn cần kênh thông tin chính xác về nguồn cung, nhu cầu thị trường, dự báo thị trường xuất khẩu… để doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các sở NN&PTNT, cán bộ khuyến nông nắm được. Từ đó mới thông tin cho người dân, giảm dần trồng tự phát, phát triển chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp nhằm giảm rủi ro” -TS Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khác cũng lo ngại việc thống kê kiểu gom luôn nông sản tạm nhập-tái xuất vào chung một “rổ” với nông sản trong nước xuất khẩu sẽ tạo số liệu ảo, lợi bất cập hại cho ngành này.
Ông Nguyễn Đình Tùng -Tổng Giám đốc Vina T&T Group, nói: “Việc thống kê chung hàng tạm nhập-tái xuất vào số liệu xuất khẩu rau quả VN có thể khiến cho số liệu trở nên thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới việc Nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực này. Đồng thời, nếu không kiểm soát chặt có thể bị vạ lây, tức bị nước nhập khẩu áp dụng chính sách phòng vệ thương mại, hoặc dùng hàng rào kỹ thuật gây khó cho hàng VN xuất khẩu”.
Nguy cơ thứ hai: Cảnh báo bị trừng phạt thương mại
Không chỉ trái cây TL mượn VN làm nơi quá cảnh để xuất sang TQ, nhiều ý kiến lo ngại nhiều loại trái cây ngoại nhập sẽ tạm nhập vào VN rồi tái xuất sang TQ. Cụ thể, trái cây Mỹ có thể nhập khẩu về VN để né thuế nhập khẩu cao của TQ, sau đó tái xuất bằng nhiều đường, chủ yếu là tiểu ngạch sang thị trường này. Tương tự, trái cây từ châu Âu, châu Úc… cũng có thể mượn VN làm bãi đáp rồi xuất sang thị trường TQ.
Ở chiều ngược lại, với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, 200 tỷ USD giá trị hàng TQ bị Mỹ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3 mới đây, nông sản, thuỷ sản và lương thực phẩm chế biến có giá trị 5,3 tỷ USD, chiếm 2,7%. Việc nông-thủy sản TQ có thể đội lốt hàng Việt để XK sang Mỹ là nguy cơ cần cảnh báo.
TS.Nguyễn Xuân Thành -Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng: “Transhipment -hàng chuyển tải, tức là hàng TQ xuất sang VN rồi dán nhãn VN và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát chuyện này thì sẽ làm cho VN thành tâm điểm để Mỹ chú ý. Điều này đã từng xảy ra với sản phẩm thép.
Năm 2017, Cơ quan thương mại Mỹ kết luận thép Trung Quốc dán nhãn Việt- là hàng chuyển tải, kết quả là chúng ta đã phải chịu mức thuế trừng phạt lên tới 450%. Đây là rủi ro rất lớn, không chỉ nguy cơ Mỹ áp thuế trừng phạt với hàng chuyển tải, mà có thể là cái cớ để họ có thể đưa VN vào tầm ngắm trong chiến lược bảo hộ thương mại”.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn
Đài Loan: Bắt quả tang lao động Việt Nam giết và ăn thịt nhiều con chó lạc
Vòng 3: Nên chọn thủ thuật nâng mông hay khổ luyện ở phòng tập
An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Trò PR bẩn và hệ quả còn lại