Về trang chủ Chưa được phân loại Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Dấu ấn đẹp cho giai đoạn 5 năm đầu tiên

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Dấu ấn đẹp cho giai đoạn 5 năm đầu tiên

Trong 2 ngày 9-10/11/2018, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Nâng cao vị thế Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn.

Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực hiện từ năm 2013 trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã đạt hoặc gần tiệm cận đến mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường.

Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm,hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục vào năm 2017 là 36,3 tỷ USD, dự kiến năm 2018 đạt mức 40 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, đóng góp của ngành nông nghiệp trong từng trụ cột:

1/Về mục tiêu kinh tế: Giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.

2/Về mục tiêu xã hội: Cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40%, và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.

3/Về mục tiêu môi trường: Đến hết năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%), tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm.

Các bộ phận cần liên kết chặt chẽ, sẵn sàng thích ứng với quy hoạch, liên doanh liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hiện đại.

Liên kết tạo nên sức mạnh
Mặc dù đã đạt nhiều thành quả, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn khá chậm. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp, tính liên kết vùng còn yếu. Nhận định về vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng -Uỷ viên Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng:

“Thiếu liên kết chính là điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay. Bộ NN&PTNT đã đưa ra quy hoạch sản xuất ở các tiểu vùng, nhưng nếu các địa phương trong tiểu vùng không ngồi lại với nhau, không tổ chức liên kết thì sẽ không thể thành công. Vùng này sẽ nuôi con gì, trồng cây gì, xây dựng thương hiệu ra sao, thị trường tiêu thụ ở đâu, thời gian nào… đều phải có kịch bản.

Bên cạnh đó là vai trò của người nông dân, phải mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Nông dân phải sẵn sàng thích ứng với quy hoạch, sẵn sàng liên doanh liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hiện đại, an toàn thì các doanh nghiệp mới dám chấp nhận mạo hiểm, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp”.

Một mối liên kết khác không kém phần quan trong là liên kết giữa các bộ, ngành với nhau. Bên cạnh vai trò chủ đạo của Bộ NNN&PTNT, cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan vào việc định hướng quy hoạch sản xuất. Ví dụ Bộ Công Thương phải vào cuộc tham gia tìm thị trường tiêu thụ, điều tra nhu cầu tiêu dùng… có vậy mới tránh dư thừa hàng hoá hay được mùa mất giá.

Những khó khăn còn lại
Chưa đáp ứng được diễn biến khó lường của thị trường tiêu thụ nông sản; Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; Sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo… đó là những hạn chế cần khắc phục.

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai thiếu quyết liệt.

Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và cho cả nước, tác động mạnh đến quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Riêng năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại 1,7 tỷ USD (tương đương 1% GDP).

Công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại chưa thực sự được hiệu quả. Nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, thu hút đầu tư xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại… chưa được tháo gỡ.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Saigon Trade Center: Người đàn ông rơi từ tầng cao tử vong

Vợ 62-Chồng 26: Vợ đại phẫu nhan sắc trẻ trung như tuổi 40, chồng bấm mí mắt

Đồng bằng miền Nam: Triều cường bủa vây, đô thị kiểu mẫu cũng không thoát ngập


https://eltimes.vn/robot-tinh-duckhach-hang-co-the-dat-hang-san-xuat-theo-kich-thuoc-cua-nguoi-trong-mong/

Có thể bạn quan tâm