Thông tư số 45/2015/TT-BNNPTNT và Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản. Thời gian qua, các kênh phân phối đã thực hiện như thế nào để đảm bảo nông sản sạch đến tay người tiêu dùng?
Chợ đầu mối, siêu thị thực hiện nhiều giải pháp
Từ đầu năm 2019 đến nay, TP.HCM đã bắt đầu đẩy mạnh động thái dừng việc thu mua hàng nông sản không sơ chế, đóng gói, bảo quản vào chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Ông Nguyễn Nhu -Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết:
Việc sơ chế tại nguồn sẽ giúp làm sạch nông sản, có bao bì, nguồn gốc rõ ràng hơn. Cà rốt Trung Quốc có bao bì rất đẹp, nếu cà rốt Đà Lạt cũng có bao bì thì sẽ bán được giá hơn 20-30%, thậm chí 50% cũng có người mua.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, do không sơ chế, đóng gói, bảo quản với điều kiện nhiệt độ phù hợp ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm, tỉ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch lên tới 30%, đặc biệt là những mặt hàng dễ hư hỏng như rau, củ, quả. Người nông dân phải bỏ nhiều công sức và chi phí hơn để nuôi trồng, trong khi lợi nhuận đang bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu thu gom, vận chuyển, sơ chế.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị: Cần sớm có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn nhằm quản lý tốt hơn nữa nguồn thực phẩm. Theo ông Mỹ, chợ đầu mối nông sản sẽ có ý nghĩa rất lớn trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Thủ đô cũng như các vùng miền trên cả nước đến với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang -Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thông tin: Thời gian qua, Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành để triển khai công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ. Đảm bảo hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung và phía Bắc nhập vào 3 chợ đầu mối phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, đóng gói trước khi phân phối trực tiếp vào các kênh bán lẻ.
Các kênh phân phối hiện đại ở TP.HCM như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… hiện cũng đã loại bỏ các sản phẩm nông sản không đạt chuẩn ra khỏi tất cả các hệ thống của mình, tránh tình trạng sản phẩm không đạt chuẩn bị loại khỏi hệ thống siêu thị này thì có thể chuyển sang hệ thống siêu thị khác.
Nhà bán lẻ Mega Market điều động các kỹ sư nông nghiệp đến với từng hộ nông dân để đảm bảo nông sản đủ tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên những vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từ đó mới mang về trạm trung chuyển để sơ chế, dán nhãn.
Để “người sản xuất tử tế” không thua thiệt
Có thể nói, việc các kênh bán lẻ hiện đại thắt chặt kiểm soát chất lượng là con đường đúng để nâng chất nông sản Việt. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường nội địa mới chỉ có 15% lượng nông sản là tiêu thụ qua kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…), 85% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…), việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản Việt vẫn là một thách thức lớn từ sự dễ dãi ở kênh tiêu thụ truyền thống.
Bà Nguyễn Kim Thanh, một chuyên gia về chuẩn chất lượng hàng hoá, cho biết: Vừa thực hiện cuộc khảo sát các nông dân ở An Giang, Đồng Tháp và đã ghi nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều. Một nhóm nông dân thì khẳng định họ có lòng tin vào sản phẩm nông sản tốt sẽ tồn tại được trên thị trường, và chọn con đường này để tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, một nhóm khác lại tỏ ra chần chừ hoặc không muốn làm sản phẩm nông sản tốt, với lý do bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh -Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm 2019, Hội sẽ hỗ trợ nông dân và một số DN lấy tiêu chuẩn LocalGAP với nông sản tươi. Đối với nông sản chế biến thì cần lấy tiêu chuẩn HACCP vốn được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Thống kê từ báo cáo của VinEco cho thấy, mỗi tháng, thương hiệu này cung cấp cho thị trường hơn 3.000 tấn nông sản với hơn 200 chủng loại, phân phối qua hệ thống bán lẻ gần 100 siêu thị và hơn 1.500 cửa hàng VinMart. Phần lớn nguồn nông sản sạch được cung ứng bởi 14 nông trường công nghệ cao VinEco và phần còn lại đến từ các hợp tác xã, các hộ nông dân liên kết với VinEco.
Các sản phẩm nông sản thu mua từ các hộ nông dân đều được kiểm tra tại chuỗi 33 trạm-phòng lab kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của VinMart & VinMart+. Nếu đạt chuẩn đầu vào, các nông sản này sẽ được VinMart & VinMart+ hỗ trợ tiêu thụ với lợi nhuận 0 đồng.
Bà Ngô Tường Vy -Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị vừa thực hiện thương vụ xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ, cho biết: Lâu nay nhiều người nghĩ nông sản xuất khẩu thì phải đạt chuẩn, mà lại quên rằng ở thị trường trong nước cũng nên đồng nhất về một chuẩn chất lượng. Các cơ quan quản lý nên có một cách nhìn phù hợp nhằm xây dựng một chất lượng đồng nhất cho các thị trường, từ trong nước cho đến thị trường ngoài nước.
Phan Đại Hữu
Đại Dương: Bị kiến nghị xử phạt 275 triệu vì bán dự án Valencia Riverside
Đại Dương: Bị kiến nghị xử phạt 275 triệu vì bán dự án Valencia Riverside