Trong số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường, nước sinh hoạt hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm luôn khiến các địa phương phải đau đầu.
Ở huyện Hàm Yên, xã Thái Hòa, Tuyên Quang được coi như “rốn lũ” của huyện. Vào mùa mưa, nước sông Lô liên tục dâng cao, xã lại nằm trên vùng hạ lưu của các con suối chảy từ các xã Nhân Mục, Bằng Cốc, Thành Long, Đức Ninh… đổ về.
Các con đường trong xã thường xuyên bị ngập cục bộ… Ấy vậy nhưng nhiều năm liền, người dân Thái Hòa vẫn… thiếu nước. Đặc biệt ở thôn Khánh An, một trong những thôn chăn nuôi lợn nhiều nhất xã.
Theo anh Ngô Minh Hòa -Bí thư Đảng ủy xã, trước đây người dân trong xã tự đào giếng để khai thác nước mặt sử dụng trong sinh hoạt. Do đặc điểm về địa lý, tầng nước mặt không đạt tiêu chuẩn. Do vậy bà con trong ở xã chịu nhiều trận lũ nhất trong huyện vẫn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Còn Kim Bình H.Chiêm Hóa là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới nhưng cũng “đau đầu” về tiêu chí nước sinh hoạt. Kim Bình nằm trọn trong 1 thung lũng rộng lớn. Con suối Cổ Linh chạy dọc xã trở thành mạch ngầm duy nhất cho mùa màng và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong xã.
Vào mùa nước, các giếng khơi của bà con đầy nước. Nhưng mùa cạn, không ít hộ phải thuê người đào thêm đáy giếng, nước ít, nhiều hộ bỏ giếng khơi, thuê người khoan giếng để dùng nước ngầm. Nhưng nhiều nhà mất tiền khoan giếng nhưng không có nước.
Sau khi có sự hỗ trợ của nhà nước và Ngân hàng thế giới, nhiều huyện đã giải quyết được nỗi băn khoăn về nước sạch. Huyện Yên Sơn có số xã được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình với 5 xã gồm: Đội Bình, Kim Phú, Mỹ Bằng, Tân Long và Xuân Vân.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau gần 1 năm thực hiện, cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã đã có những thay đổi đáng kể. Tập quán không sử dụng nhà vệ sinh, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh hoặc sử dụng phân chuồng chưa hoai mục để bón cây trồng đã gần như chấm dứt.
Theo thống kê sơ bộ tại 5 xã, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt gần 100%; tỷ lệ hộ dân có đầy đủ công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn chiếm trên 70%.
Thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ, bà con đã biết tiết kiệm để đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn
Ông Hoàng A Phông, dân tộc Mông, thôn Mỹ Hoa phấn khởi cho biết: Tiết kiệm được ít tiền cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã mua được máy lọc nước để dùng. Nước được lọc qua máy đảm bảo vệ sinh, uống được luôn. Được biết, thôn Mỹ Hoa có đến 6 hộ dân được hỗ trợ lắp đặt máy lọc nước, ngoài ra các hộ đều được sử dụng nước máy; các công trình vệ sinh nhà tắm, nhà tiêu các hộ dân đều đạt chuẩn.
Xã Đức Ninh (Hàm Yên) cũng được hưởng lợi từ chương trình. Nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong dân đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng góp phần quan trọng nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đã có 97,2% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, 86% hộ dân có hố xử lý rác thải, trên 73% hộ dân sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh…
Theo ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình này, UBND tỉnh tập trung ưu tiên các xã khó khăn về nước sinh hoạt, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến đầu năm 2018, vốn đầu tư trên 231,6 tỷ đồng, tập trung vào 3 hợp phần gồm:
Cấp nước sạch nông thôn; vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình. Có 30 công trình cấp nước tập trung sẽ được đầu tư xây dựng, trong đó có 8 công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn, bảo đảm cấp nước sạch bền vững cho 2.474 hộ gia đình. Ngoài ra còn một số công trình nước sạch cho các trường học.
Theo Doisongphapluat
Khủng hoảng thừa nông sản: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu cung-cầu