Về trang chủ Chưa được phân loại “Nhà báo quốc tế”: Nhà báo dỏm lừa thầy của lò đào tạo nhà báo thứ thiệt

“Nhà báo quốc tế”: Nhà báo dỏm lừa thầy của lò đào tạo nhà báo thứ thiệt

Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng các giảng viên báo chí có bài đăng trên tạp chí của ‘nhà báo quốc tế’ là do… bị lừa. Riêng Viện trưởng Viện báo chí bị kiểm điểm khi kết nối, hỗ trợ “nhà báo quốc tế” thành hội viên Hội Nhà báo.

Ngày 21-5-2019, trao đổi với Tuổi trẻ Online, PGS.Trương Ngọc Nam -Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết: Đến thời điểm này có thể khẳng định, “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn đã có hành vi lừa đảo một số giảng viên của trường.

Theo đó, tạp chí Chống tham nhũng của “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn chỉ xuất bản ở Cộng hòa Czech duy nhất một số và được lưu ở thư viện. Tuy nhiên, từ số thứ 2, 3… trở đi, tạp chí này hoàn toàn không xuất bản mà được làm giả bằng cách rất đơn giản do “nhà báo quốc tế” photo, chế bản tại… Việt Nam.

Chân dung “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn.

“Thông thường các bài báo quốc tế như vậy để được đăng trên các tạp chí uy tín, chuẩn chỉ, để được thông qua các hội đồng và xuất bản sẽ phải mất chi phí không dưới 2.000 EURO. Nhưng đằng này, các bài báo mà các giảng viên được đăng trên tạp chí giả này hầu như không mất chi phí gì đáng kể, chỉ là ngoại giao, mời nhau, chiêu đãi nhau.

Trên tạp chí này, riêng Viện trưởng Viện Báo chí (PGS.Đỗ Thị Thu Hằng) có 4 bài đăng và 3 giảng viên báo chí khác mỗi người được đăng một bài. Anh em cũng nghi ngờ vì thủ tục đăng quá dễ dãi, nhưng khi nhận bản in thì thấy bài báo cũng chuẩn chỉ, đúng form, được dịch ra tiếng Anh… ” -ông Nam nói.

Vậy các bài báo quốc tế này giảng viên đã gửi theo phiên bản tiếng Anh hay tiếng Việt? Đáp lại câu hỏi này, PGS.Trương Ngọc Nam cho biết các thầy cô chỉ gửi bản thảo tiếng Việt, còn việc dịch sang tiếng Anh thì “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn “nhận làm tất”. Tuy nhiên, ở bản tiếng Anh đăng báo thì “có những đoạn đọc chẳng hiểu gì”.

Theo ông Nam, chủ trương mới của Bộ GD-ĐT đặt ra là người hướng dẫn khoa học và ngay cả nghiên cứu sinh cũng phải có bài báo quốc tế mới đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, Học viện cũng đang hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, cơ quan báo chí ở nước ngoài để các giảng viên có thêm cơ hội đăng bài báo quốc tế.

“Nhà báo quốc tế” tự dàn dựng chương trình chào đón rầm rộ “Về thăm trường cũ”, nhưng sau khi kiểm tra lại thì trong danh sách học sinh không có tên của “Nhà báo quốc tế”.

Trong bối cảnh đó, các thầy cô đã gửi bài với mong muốn được đăng trên tạp chí Chống tham nhũng được xuất bản ở Cộng hòa Czech. Tuy nhiên, dù tên tạp chí là Chống tham nhũng, bài báo khoa học của các giảng viên gửi đi đều “không liên quan gì đến đề tài chống tham nhũng cả”.

“Đó là những tạp chí giả. Việc xử lý hiện nay là không công nhận các bài báo này vì thực tế các bài báo đó không được đăng ở tạp chí quốc tế gì” -ông Nam nói. Riêng về thông tin PGS.Đỗ Thị Thu Hằng đưa bài báo đăng trên tạp chí giả này vào hồ sơ khoa học để đăng ký đề tài NAFOSTED đã được xử lý ra sao, ông Nam cho biết đó “chỉ là vài bài không đáng kể”, hồ sơ vẫn đủ điều kiện.

“Đó là đề tài về Mạng xã hội – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam do học viện chủ trì, cô Hằng chỉ là thư ký khoa học” -ông Nam nói. Theo ông Nam, trong trường hợp này các giảng viên gửi bài đăng báo bị lừa một cách tinh vi mà “chính các thầy cô không có cảm giác bị lừa”.

Các giảng viên đều có nghiên cứu tốt, việc gửi các bài báo đăng trên “tạp chí quốc tế” này chỉ là làm dày hồ sơ, nên một mặt nào đó cũng có thể chia sẻ với các giảng viên.

“Học viện đã kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc viện trưởng Viện Báo chí về việc làm thủ tục đề xuất đưa ông Lê Hoàng Anh Tuấn trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam mà trái nguyên tắc, không xin ý kiến đảng ủy, ban giám đốc. Còn việc các thầy cô bị lừa đăng bài trên tạp chí giả thì học viện nhắc nhở, nhất là khi làm việc với đối tác nước ngoài phải thật sự thận trọng” -ông Nam nhấn mạnh.

Vietnamplus phản ánh trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, hình ảnh buổi lễ “Ngày trở về” (tại trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3, Nghệ An) với tấm băng-rôn có nội dung: “Chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sỹ luật học, tiến sỹ Lê Hoàng Anh Tuấn, cựu học sinh khóa 1995-1998, tiến sỹ danh dự từ Vương quốc Anh 2018, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.”

Sau đó, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện hình ảnh tấm danh thiếp đề tên Lê Hoàng Anh Tuấn kèm theo danh xưng Hội viên Hội nhà báo Việt Nam và ghi Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế có trụ sở văn phòng tại châu Âu, châu Á, châu Phi. Lãnh đạo Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết, ở Việt Nam không có danh xưng “nhà báo quốc tế.”

Thông tin chính thức từ Hội Nhà báo Việt Nam chiều 8/5/2019, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã ký quyết định số 36/QĐ-HNBVN, về việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn.

Văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Xét công văn số 69-CV/CHNBKBC ngày 6/5 của Chi hội nhà báo Viện báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc đề nghị xóa tên hội viên, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chuẩn y việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn thuộc Chi hội nhà báo Học viện báo chí.
Hoàng Hạc

“Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn: Xin cho tôi hai chữ bình yên

Nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn và cú lừa “Ngày trở về”

Nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: Xóa tên khỏi danh sách Hội viên Hội Nhà báo

Nhật Cường Mobile: Bùi Quang Huy bỏ trốn, Bí thư Hà Nội trả lời thế nào ?

Có thể bạn quan tâm