Ngành lúa gạo Việt Nam khẳng định được niềm tự hào qua những con số: Xuất khẩu trên 150 nước, năng suất lúa tăng từ 40,2 tạ/ha năm 1995 lên 67 tạ/ha vụ Đông Xuân năm 2018. Nhưng nỗi băn khoăn vẫn còn đó khi lợi nhuận của người trồng lúa thấp hơn Thái Lan 2,7 lần, Indonesia 1,5 lần.
Vì sao giá thành gạo Việt rẻ ?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,64 triệu tấn, tăng 3,67% so với cùng kỳ 2017. Trị giá xuất khẩu 2,83 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2017.
Thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 15% thị trường thế giới với 150 thương nhân tham gia xuất khẩu gạo. Gạo Việt đã có mặt ở 150 quốc qua và vùng lãnh thổ, là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới.
TS.Nguyễn Văn Sánh -Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, Việt Nam thời gian qua đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn mang tính chất chính trị, hình ảnh và thương hiệu hạt gạo Việt.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là vì chạy theo số lượng mà phần nào quên đi việc nâng cao chất lượng, và không tính đúng trị giá hạt gạo khi xuất khẩu. Tại Hội thảo “Gạo sạch Việt Nam-Khẳng định vị trí-Vươn tầm quốc tế”, TS.Nguyễn Đức Thành -Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, phân tích: “Do năng suất chưa đủ cao nên người nông dân phải làm lúa 3 vụ, từ đó dẫn tới chất lượng thấp và hầu như không có giá trị gia tăng.
Chúng ta đang xuất khẩu một lượng gạo rất lớn nhưng trong giá thành gạo xuất khẩu của Việt Nam lại có phần trợ cấp của xã hội. Ví dụ như phí dịch vụ về thủy lợi, phí về đất đai được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, làm cho giá gạo bán ra thế giới có giá rẻ nhờ những khoản trợ cấp đó. Vô hình trung chúng ta đang trợ cấp cho thế giới trong vấn đề lương thực, trong khi Việt Nam là nước nghèo”.
Giảm sản lượng: Lợi kép
Theo các chuyên gia, với việc giảm số vụ lúa trong năm, sản lượng có thể giảm nhưng chất lượng tăng lên và tạo ra nhiều giá trị hơn, tốn phí trợ cấp xã hội thấp hơn. Để có giá trị gia tăng cao hơn, người trồng lúa phải đảm bảo được quy trình sản xuất sạch và đạt tiêu chuẩn chứng nhận.
Nhiều nhà kinh doanh gạo cho hay, hiện người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm gạo. Khi chọn mua gạo, người tiêu dùng có xu hướng tìm hiểu khá kỹ lưỡng các thông tin trên bao bì sản phẩm như thương hiệu, tiêu chuẩn, quy trình canh tác… Theo đó, các loại gạo đạt tiêu chuẩn an toàn, gạo hữu cơ… đang ngày càng được quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ngành lúa gạo cần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng, khai thác lợi thế cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.
TS.Nguyễn Đức Thành đề xuất nên lưu ý tiềm năng của khu vực xay xát và chế biến: “Đây là khu vực cần được khuyến khích phát triển trở thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến hiện đại và có thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng thành phẩm. Có thể coi đây là lựa chọn chiến lược quyết định tương lai vị thế ngành lúa gạo Việt Nam”.
Xuất hiện những thương hiệu gạo được ưa chuộng
Qua các cuộc thăm dò cho thấy: Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền cho loại gạo mà họ tin tưởng. Cho nên nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rằng: Sau thời gian dài mua bán các loại gạo xá không bao bì, không nhãn mác thì nay đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì đẹp cho gạo để phát triển xa hơn.
Ông Phạm Thái Bình -Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết: “Công ty đã đầu tư hàng trăm hecta trồng gạo hữu cơ ở ĐBSCL với kế hoạch ban đầu là xuất khẩu. Thế nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường không đủ bán nên Công ty chưa tính đến việc xuất khẩu loại gạo này”.
Theo ông Lâm Anh Tú -Giám đốc Công ty gạo Hoa Nắng, dù mới phát triển loại gạo hữu cơ trong vài năm trở lại đây nhưng phản ứng của thị trường khá tốt. Sau khi có chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU, gạo Hoa Nắng đã vào được một số chuỗi bán lẻ lớn và hệ thống bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành.
Năm 2018, diện tích trồng lúa hữu cơ của Công ty Hoa Nắng tăng tới 40%, lên gần 100ha tại Bến Tre. Ngoài hai loại gạo truyền thống là Hoa Nắng và Nàng Keo, năm nay Công ty còn có thêm sản phẩm gạo ST24 đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. ST24 là giống lúa cho ra hạt cơm ngon xếp thứ ba thế giới năm 2017 nên sẽ là sản phẩm chủ lực cho kế hoạch xuất khẩu của Công ty.
TS.Nguyễn Thị Hồng Minh -Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho biết nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều thông tin hơn về xuất xứ sản phẩm, quá trình chế biến và các phụ gia hóa chất trong sản phẩm.
Việc minh bạch các thông tin như vậy tốt cho người mua và cũng tốt cho người bán để tránh những hiểu lầm. Chẳng hạn, việc sử dụng chất bảo quản trong gạo là được phép để giữ hạt gạo được lâu, tránh mối mọt nhưng phải sử dụng đúng chất, đúng liều lượng mới đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Nếu không minh bạch, người tiêu dùng cứ coi có chất bảo quản là có hại và tẩy chay như đã từng xảy ra với đậu phụ có thạch cao, bún có chất phát sáng.
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại
Thợ sửa điện thoại phát hiện “mỏ vàng” trong máy của nữ khách hàng
Vụ gỡ bài đăng báo Phụ nữ TP.HCM: Hoàng Uyển 4 năm tù, Yến Thy xử lý sau