Về trang chủ Chưa được phân loại Ngành chăn nuôi bò: Cần thay đổi cả công nghệ nuôi lẫn chế biến

Ngành chăn nuôi bò: Cần thay đổi cả công nghệ nuôi lẫn chế biến

Chất lượng không đảm bảo lại có giá thành hơn gấp đôi, người tiêu dùng tẩy chay thịt bò nội để mua thịt bò nhập ngoại là điều đương nhiên.

Bò nội chất lượng kém, giá quá cao
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 24.000 tấn thịt bò các loại với trị giá gần 91 triệu USD, trị giá khoảng hơn 3,78 USD/kg (chưa tính thuế), tương đương khoảng 87.000 VND/kg. Mỹ và Australia là 2 thị trường nhập khẩu thịt bò chủ yếu của Việt Nam.

Đại diện CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết: Tỷ lệ tiêu thụ thịt bò ngoại của người Việt đang ngày càng tăng. Do đó, các doanh nghiệp đua nhau nhập về khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt, đẩy giá xuống thấp và sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Cần thay đổi công nghệ chăn nuôi lẫn chế biến để sản phẩm bò Việt có thể đứng vững trên thị trường.

Trong bối cảnh các nước dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến tiêu dùng, nhiều hàng hóa đang tìm đường đến Việt Nam, vốn được coi là dễ tính. Thêm vào đó, giá thành cạnh tranh khiến hàng Mỹ, Australia… (chất lượng tốt mà giá lại hấp dẫn) nên đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Ông Michael Patching -Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA), đánh giá: Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới. Thứ nhất là về giá cả. Thứ hai là nhu cầu về thực phẩm an toàn cao nên xu hướng tiêu dùng các sản phẩm bò Mỹ, Australia ngày càng tăng.

Ngành thịt bò Việt Nam đang có tiêu chuẩn thấp và nhiều tai tiếng, các hiện tượng như bò bị bơm nước, thịt bò giết mổ xong để dưới sàn mất vệ sinh khá phổ biến. Về giá thành, bò Việt hiện nay giá luôn ở mức cao, từ 188.000 đến 280.000 đồng/kg.

Cần thay đổi phương thức sản xuất để giảm giá thành
Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò lớn từ các nước. Theo các chuyên gia nông nghiệp, thịt bò đang là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất tại Việt Nam. Thịt bò nhập không chỉ thống lĩnh trong các siêu thị, mà đã bắt đầu xâm chiếm thị trường bán lẻ bình dân.

Ông Nguyễn Đăng Vang -Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: Nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi từ quy trình, quy mô và tính cạnh tranh về giá thành … thì thịt bò nội không thể thắng được thịt nhập ngoại.

Còn ông Lê Bá Lịch -Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam thì cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam phải phát triển mạnh các trang trại lớn để có lợi thế nhờ quy mô, áp dụng công nghệ và cách thức quản lý hiện đại. Điều này sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, giúp hàng nội đứng vững trước làn sóng nhập khẩu thịt ngoại.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò quy mô vừa và lớn thông qua các chương trình phát triển nông thôn.

Thay đổi công nghệ chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm
Mới đây Bộ NN&PTNT ban hành tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát. Theo các chuyên gia, đây có thể là bước đầu trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho cả chuỗi từ giết mổ, phân phối và tiêu dùng thịt mát của Việt Nam trong thời gian tới.

Với những yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng cho giết mổ, cấp lạnh và bảo quản, những đơn vị đầu tư lớn và bài bản có thể tham gia được vào chuỗi này để phát triển thịt bò nội nói riêng và thịt mát nói chung.

Ông Nguyễn Thanh Khuê -Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc (Bà Rịa-Vũng Tàu), phân tích: Phương thức kinh doanh thịt bò truyền thống của Việt Nam là đêm giết mổ, ngày hôm sau phải tiêu thụ hết, không thể để tồn kho vì thịt giảm chất lượng. Trong khi đó, ở các nước có công nghệ làm mát giúp thịt bò bảo quản đến 90 ngày.

Do đó, để nâng chất lượng, bò nội nên áp dụng công nghệ giết mổ tiên tiến. Ở các nước có ngành chăn nuôi bò thịt phát triển, thịt xuất khẩu được phân ra đến 5 cấp dựa vào tuổi, giống và giới tính nên cùng một mặt hàng, giá có thể lệch nhau đến 3 lần.

Trong khi đó, thị trường Việt Nam thịt bò được đổ đồng giá và chủ yếu dựa vào cảm quan. Muốn khắc phục điều này, Việt Nam cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về thịt bò để làm cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm.

Theo các DN, thời gian qua thị trường bò thịt biến động lớn, nhiều DN đầu tư trang trại, lò mổ thua lỗ do giá bò hơi và thịt bò sỉ giảm nhưng giá thịt bò bán lẻ không giảm, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi do bị chi phối bởi khâu trung gian.
P.Vinh -Langmoi.vn

Saigon Trade Center: Người đàn ông rơi từ tầng cao tử vong

Vợ 62-Chồng 26: Vợ đại phẫu nhan sắc trẻ trung như tuổi 40, chồng bấm mí mắt

Thế Giới Di Động: Có hay không việc rò rỉ thông tin khách hàng?

Đồng bằng miền Nam: Triều cường bủa vây, đô thị kiểu mẫu cũng không thoát ngập

Có thể bạn quan tâm