Về trang chủ Công nghệ Kỹ sư Apple: Kính AR là giải pháp đắt tiền để giải quyết vấn đề chưa tồn tại

Kỹ sư Apple: Kính AR là giải pháp đắt tiền để giải quyết vấn đề chưa tồn tại

Kỹ sư Apple: Kính AR là giải pháp đắt tiền để giải quyết vấn đề chưa tồn tại

Khoảng 5 năm về trước, Apple tổ chức kỳ nghỉ nội bộ cho nhân viên ở Carmel Valley, với mục đích phác thảo sản phẩm lớn kế tiếp của tập đoàn. Khi ấy, Jony Ive đã gây ấn tượng với 100 vị lãnh đạo của tập đoàn với một đoạn clip concept được thiết kế chỉn chu, như một đoạn quảng cáo Apple trình chiếu tới công chúng.

Trong đoạn quảng cáo ấy, một người ngồi trong chiếc taxi ở London đeo cặp kính thực tế ảo tăng cường, gọi điện về cho vợ ở San Francisco, rồi chia sẻ hình ảnh thủ đô London qua góc nhìn của nhân vật nam. Ngay lập tức, đoạn clip khiến những vị giám đốc của Apple háo hức với khả năng tạo ra sản phẩm kế tiếp thay đổi cả ngành công nghệ của Apple: Một cặp kính trộn cả thực và ảo.

Nhưng rồi, theo 8 người đã và đang làm việc cho Apple, những nguồn tin giấu tên của The New York Times, giữa lúc có những thông tin nói rằng Apple sẽ cho ra mắt kính AR ngay trong tháng 6 này, sự háo hức và những kỳ vọng đã phần nào nhường chỗ cho sự hoài nghi. Hầu hết họ đều bày tỏ nghi ngờ với mức giá khoảng 3 nghìn USD của cặp kính, cũng như lo ngại về mức độ tiện ích của sản phẩm mới này trên một thị trường thực sự chưa được chứng minh tiềm năng.

Mấy chục năm qua, từ iPod đến Apple Watch, đội ngũ thiết kế và phát triển sản phẩm của Apple luôn tạo ra cảm giác họ không bao giờ chùn bước, luôn có chung một mục tiêu tạo ra sản phẩm ưng ý nhất. Thành ra, những tiếng nói bày tỏ lo ngại và hoài nghi cũng thực sự khiến những người theo sát thị trường thiết bị công nghệ lẫn cả những người yêu mến thương hiệu Apple có những suy nghĩ khác.

Ba trong số 8 người được NYT hỏi cho biết, nhiều nhân viên Apple đã cố gắng xin điều chuyển sang dự án khác. Vài người khác thì bị đuổi việc vì không kịp tạo ra những cải tiến cần thiết trong quá trình phát triển sản phẩm. Thậm chí, cả những giám đốc cấp cao của Apple cũng đặt ra câu hỏi về tiềm năng của cặp kính AR. Cái việc sản phẩm được phát triển giữa lúc tinh thần của đội ngũ thiết kế tại Apple đang bị ảnh hưởng tiêu cực, sau khi Jony Ive rời khỏi Apple năm 2019, cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại.

Trước Apple, nhiều hãng cũng đã thử nghiệm với công nghệ kính AR, từ Google Glass của 10 năm trước, tới Magic Leap, rồi cả Hololens của Microsoft và gần đây là Quest Pro của Meta. Apple được nhiều người coi là “vị cứu tinh” của ngành AR, với những kinh nghiệm phát triển và hoàn thiện phần cứng và phần mềm để tạo ra tiêu chuẩn của ngành. Đương nhiên kinh nghiệm không khiến quá trình nghiên cứu sản phẩm bớt thử thách.

Bản thân Apple cả chục năm qua cũng đã liên tục gây dựng nền móng cho công nghệ AR. Năm ngoái, Tim Cook từng đến một trường đại học, và trong bài phát biểu của ông có đoạn: “Các bạn rồi sẽ thắc mắc trước đó sao mà sống được khi không có công nghệ AR, hệt như ngày hôm nay các bạn thắc mắc làm sao mà sống được khi không có internet vậy.”

Câu chuyện doanh số cũng là một điều lo ngại khác. Kể từ năm 2020, Meta bán được 20 triệu cặp kính Quest 2 giá 400 USD. Nhưng ở phân khúc cao cấp với chiếc Quest Pro, họ vừa phải giảm giá từ 1.500 xuống 1.000 USD vì nhu cầu thị trường ảm đạm. Để so sánh, mỗi năm Apple bán 200 triệu chiếc iPhone, giá trung bình 800 USD một chiếc.

Theo Matthew Ball, không như chiếc iPhone, vốn ứng dụng những giải pháp được hoàn thiện tới mức tối đa của những công nghệ đã tồn tại từ lâu, để tạo ra kính AR, Apple sẽ phải phát triển những con chip mới và công nghệ màn hình đeo mới. Khó khăn của quá trình này lớn hơn nhiều so với mọi người tưởng tượng. Matthew Ball là tác giả cuốn “The Metaverse: And How It Will Revolutionize Everything.”

Những hoài nghi về mức giá, khả năng vận hành và tính tiện ích của kính AR khiến vài người từng làm việc trong dự án cho rằng, Apple có thể sẽ trì hoãn ra mắt cặp kính này, đặc biệt là giữa lúc tình hình kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu bất ổn. Trước đó Apple từng hoãn ra mắt những sản phẩm mới như AirTag, được giới thiệu muộn 1 năm so với kế hoạch ban đầu để họ giải quyết vấn đề bảo mật. Nhưng cặp kính AR thì khác, có nguồn tin nói rằng nó đã được sản xuất thương mại hóa để chờ ra mắt vào tháng 6 tới.

The Counterpoint Research, Apple kỳ vọng bán được nửa triệu cặp headset AR mỗi năm. Con số này khi Apple Watch Series 1 ra mắt là 40 triệu chiếc một năm. Sự dè dặt của Apple cũng là hợp lý, khi họ chuẩn bị tham gia thị trường mà theo NPD Group, năm ngoái doanh số sản phẩm giảm 12%, chỉ đạt 1.1 tỷ USD.Tinhte_Apple.jpg

Carolina Milanesi, nhà phân tích thị trường thiết bị công nghệ của Creative Strategies cho rằng: “Apple luôn biết cách nhảy vào một thị trường đúng thời điểm nó đã được hình thành, rồi ra mắt sản phẩm thay đổi cả thị trường ấy. Điều đó không đúng với thị trường kính AR hoặc XR. Vẫn còn có quá nhiều không gian để hoàn thiện công nghệ.”

Ở một khía cạnh khác, vài người trong nội bộ Apple nghĩ rằng, cặp kính AR họ đang phát triển là một giải pháp cho vấn đề chưa tồn tại. iPod giải quyết nhu cầu nghe nhạc mọi lúc mọi nơi. iPhone ban đầu được tạo ra với mục tiêu kết hợp thiết bị chơi nhạc và điện thoại di động. Còn kính AR ban đầu để làm gì, chưa có ai có câu trả lời rõ ràng.

Cái sản phẩm với giá khoảng 3.000 USD ấy cũng mới chỉ là một “sản phẩm đệm” trước khi những phiên bản hoàn thiện hơn ra mắt trong tương lai.

Nguồn tin của NYT mô tả cặp kính này có khung carbon fiber, nối với cục pin đeo ở thắt lưng, hai màn hình 4K hiển thị từ ứng dụng đến phim ảnh, và cả dàn camera để ghi hình thế giới bên ngoài. Sẽ có một núm vặn giống Apple Watch hoặc AirPods Max, gọi là “núm chỉnh mức độ hình ảnh AR”, tăng và giảm cường độ hình ảnh hiển thị trên hai màn hình. Và vì cặp kính không hỗ trợ người đang đeo kính thuốc, nên Apple cũng có kế hoạch bán thấu kính khuếch đại hình ảnh AR với tỷ lệ khúc xạ phù hợp với những người cận thị hay viễn thị.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, Apple đã tập trung vào việc biến nó thành một giải pháp tuyệt vời để họp trực tuyến, cũng như tương tác với những avatar ảo của bạn bè trong thế giới VR. Cùng lúc, nó cũng sẽ là một công cụ hỗ trợ cho các nghệ sỹ, nhà thiết kế và kỹ sư, theo dõi những gì họ vẽ trong không gian thực và biến chúng thành hình ảnh ảo dựng dưới dạng 3D. Và cuối cùng, nó vận hành như một chiếc TV độ nét cao, với những bộ phim AR do những nhà làm phim nổi tiếng thực hiện. Jon Favreau, đạo diễn của Iron Man và Chef là một ví dụ.

Cái giá 3.000 USD có thể sẽ khiến cặp kính này phù hợp hơn với những doanh nghiệp và các đơn vị thiết kế, chứ không phải thứ hướng tới phần đông, ở đây là cả tỷ người dùng iPhone toàn cầu.

Cô Milanesi cho rằng, cách tiếp cận thị trường AR của Apple khá giống cách họ ra mắt chiếc Apple Watch đầu tiên. Ban đầu họ mô tả Apple Watch là một chiếc iPhone thu nhỏ, nhưng sau khi hiểu người tiêu dùng muốn gì, và làm gì với chiếc đồng hồ, thì dần dần định hướng với Apple Watch thay đổi, trở thành một thiết bị phục vụ tập thể thao và theo dõi sức khỏe.

 

Theo tinhte.vn

Có thể bạn quan tâm