Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Kinh tế số chiếm 30% GDP, khi đường còn xa?

Kinh tế số chiếm 30% GDP, khi đường còn xa?

Một số doanh nghiệp dệt may đã thực hiện chuyển đổi số tới từng cọc sợi, 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online, Việt Nam tăng trưởng kinh tế số cao nhất Đông Nam Á… Tuy vậy, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vẫn còn là một thách thức, đòi hỏi nhiều giải pháp tổng thể.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company (công bố ngày 1/11 vừa qua), Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Có tiền nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp giúp kinh tế số chiếm 30% GDP vào 2030.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

“Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó, giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho biết doanh nghiệp nắm bắt được xu thế chuyển đổi số sẽ giúp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, tham gia vào chuỗi từ sản xuất đến phân phối.

Đơn cử như ngành dệt may, ông Hùng cho biết nhiều doanh nghiệp đã thực hiện số hóa tới từng cọc, sợi; hay lĩnh vực xăng dầu cũng được số hóa tới từng kho, bồn chứa… Đây là xu hướng tất yếu.

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Theo ước tính của Bộ TT&TT, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%. Tuy vậy, so với mục tiêu đây rõ ràng còn khoảng cách lớn.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh có tình trạng có tiền làm chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Do vậy, doanh nghiệp mong muốn các Bộ, ngành địa phương trở thành cầu nối giúp họ kết nối với nền tảng công nghệ, hỗ trợ kinh doanh.

Nhấn mạnh tới mục tiêu cần có 1 triệu doanh nghiệp số, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, cho rằng nhìn bảng xếp hạng của các công ty lớn nhất thế giới qua các năm sẽ thấy rằng, nếu như những năm 2001, các công ty năng lượng, bán lẻ thuộc tốp đầu, thì tới 2016, cục diện đã thay đổi khi các công ty công nghệ như Apple, Amazon, Facebook… lên ngôi.

Ngay tại Việt Nam, ông Hưng dẫn chứng trong hơn 10 năm qua, người dùng đi xe taxi truyền thống đã chuyển sang sử dụng taxi công nghệ, thay vì tới chợ truyền thống đã lên các sàn thương mại điện tử mua hàng trong và ngoài nước. “Chưa bao giờ tôi tưởng tượng có ngày ra đường không cần cầm ví mà chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone để thanh toán”, ông Hưng nói. Đó chính là sức mạnh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi để thích ứng.

Ai cũng phải chuyển đổi, ngay cả sàn TMĐT

“Ông David L.Rogers, chuyên gia hàng đầu thế giới đã tư vấn cho Google, Microsoft, CitiGroup, HSBC… từng nói rằng: “Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không phải là vấn đề công nghệ – mà đó là vấn đề chiến lược và cách tư duy mới. Đồng thời, chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chiến lược chứ không phải là nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin….”, theo CEO Accesstrade, đó là những điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận để trả lời câu hỏi bắt đầu từ đâu.

Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mua sắm trên thương mại điện tử trở thành thói quen của người dùng Việt. Thương mại điện tử Việt Nam đi vào chiều sâu, hầu như mọi người đều có trải nghiệm mua sắm online. 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, trong đó tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

43% người dùng GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. “Cách đây 5-7 năm, mức độ, mua sắm online chỉ thỉnh thoảng nhưng giờ người dùng có thể đi chợ hàng ngày trên kênh trực tuyến. Số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 (ngành hàng) giai đoạn 2021 – 2022”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, đại diện Lazada cũng thừa nhận rằng, đây là thời điểm mà các sàn thương mại điện tử phải chuyển hướng sang phát triển bền vững. Nếu ban đầu, phát triển “thô” theo hướng tăng quy mô, tăng người dùng, tăng lượng giao dịch… giờ đây phải chuyển sang đi sâu vào chất lượng.

Theo đại diện Lazada, sự phát triển bền vững có 4 yếu tố gồm: Mô hình kinh doanh bền vững, cơ sở hạ tầng tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, để phát triển kinh tế số, cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững; thu hẹp khoảng cách số…

Trong khi đó, Bộ TT&TT cho rằng để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài. Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.

Để phát triển kinh tế số thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Theo Nhật Linh/Vnbusiness

Có thể bạn quan tâm