TajmaSago -Tòa lâu đài trắng được xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc của vùng Marrakech với màu sắc chủ đạo là trắng-đen của ông chủ Khai Silk bất ngờ được chủ mới tiếp quản.
Chuyển nhượng tài sản
Theo Trithuctructuyen, một doanh nghiệp có trụ sở ở P.Tân Phú (Q.7, TP.HCM) vừa thông báo về việc tiếp quản hoạt động của Khách sạn TajmaSago và Nhà hàng Cham Charm (Phú Mỹ Hưng, Q.7) của tập đoàn Khai Silk. Đơn vị này mới được thành lập 3 tháng, do bà Bùi Thị Vân Anh làm đại diện pháp luật.
Giá trị của thương vụ chưa được tiết lộ. Sau chuyển nhượng, cả hai cơ sở này sẽ mang thương hiệu mới.
Hai cơ sở này trước đó thuộc sở hữu của doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ Khai Silk. Ông Khải còn là chủ một số nhà hàng cao cấp tại TP.HCM như: Au Menoir de Khai (Điện Biên Phú, Q.3), Ming Dynasty (Phú Mỹ Hưng, Q.7), Nam Phan (Q.1); Trois Pommes; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café, Trung tâm thương mại Saigon Paragon (Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, Q.7)….
Vào năm ngoái, thương hiệu lụa Khai Silk dính vào scandal lụa Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Sau khi ông chủ thương hiệu lụa Khai Silk thừa nhận bán lụa nguồn gốc Trung Quốc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra còn phát hiện khăn lụa Khai Silk không có thành phần lụa như công bố trên sản phẩm là 100% thành phần lụa.
Theo kết luận của Bộ Công Thương, Khai Silk đã vi phạm hàng loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Khai Silk còn có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn….
Các cửa hàng Khai Silk sau đó lần lượt đóng cửa. Hai tòa nhà là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cũng tạm ngưng hoạt động cho đến nay. Trước khi xảy ra scandal, Hoàng Khải từng lên báo dạy dỗ mọi người: “Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung thực”.
Theo Nhipsongdothi, Lâu đài TajmaSago và tòa nhà Cham Charm sẽ chính thức thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Chloe Hospitality và sẽ được đổi tên thành Chloe Gallery. Cả hai công trình này sẽ mang thương hiệu mới là Chloe Gallery với mô hình hoạt động có nhiều đổi mới so với trước đây.
Theo kế hoạch, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông… đến trình diễn sản phẩm.
Đặc biệt, sau khi tu sửa, nơi đây sẽ là điểm hẹn cho những đại tiệc về nghệ thuật-âm nhạc-thời trang-điện ảnh, là nơi kết nối các tài năng, giá trị văn hoá-tinh thần hiện đại với cộng đồng công chúng văn minh.
Chloe Gallery sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới cho hai công trình, dự kiến hoàn thành cuối tháng 12/2018 và bắt đầu mở cửa đón khách sau giai đoạn chỉnh trang.
Quá khứ lẫy lừng ẩn trong dối trá
Theo Cafef, khởi nghiệp từ một cửa hàng tơ lụa nhỏ ở phố Hàng Gai (Hà Nội) 30 năm trước, đến nay, Hoàng Khải đã nhân rộng chuỗi cửa hàng của mình trên cả nước. Trên trang cá nhân của doanh nhân Hoàng Khải (Khai Silk) mới đây đã chia sẻ hình ảnh của chính ông cách đây 30 năm kèm theo dòng trạng thái:
“Chàng thanh niên đứng bán hàng trong 1 cửa hàng tơ lụa nhỏ bé và bề bộn cách đây 30 năm trên con đường Hàng Gai – Hà Nội này chưa bao giờ biết rằng sau này anh ấy đã trở thành 1 doanh nhân được thần tượng bởi những Bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay”.
Theo như chia sẻ này thì hình ảnh được ghi lại cách đây 30 năm, khi ông Hoàng Khải bắt đầu con đường kinh doanh của mình. Cửa hàng này chuyên kinh doanh tơ lụa và các mặt hàng lưu niệm.
Nhờ làm ăn buôn bán phát triển, từ một cửa hàng, ông Khải đã nhân lên thành nhiều cửa hàng khác tại phố Hàng Gai và Hàng Bông. “Chính tôi là người khai sinh ra phố tơ lụa ở Hàng Gai” -ông Khải từng chia sẻ như vậy khi được phỏng vấn trên tờ Forbes.
Từ một cửa hàng nhỏ, đến nay, các cửa hàng kinh doanh tơ lụa của doanh nhân Hoàng Khải đã trải dài trên cả nước mang tên Khai Silk, định vị theo phân khúc cao cấp. Được biết, những sản phẩm của Khai Silk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng.
Ngoài kinh doanh tơ lụa, ông Hoàng Khải còn kinh doanh bất động sản và nhà hàng cao cấp. Và mới đây nhất, vị doanh nhân 53 tuổi này còn tiếp tục “lấn sân” sang kinh doanh dịch vụ ăn uống với tham vọng mở chuỗi 300-400 cửa hàng phở trên khắp cả nước với giá bán 45.000 đồng/bát. Tuy nhiên, sau scandal silk đểu thì chuỗi quán phở cũng chết yểu theo.
Ngọc Chămpa
Bến Tre-Lâm Đồng: Đánh người xem AFF Cup 2018, đi bão tử vong