Về trang chủ Kinh doanh Chứng khoán Học sinh ngộ độc do uống sữa Milo, Nutifood: Cần xem lại chất lượng sữa trong “Chương trình Sữa học đường”

Học sinh ngộ độc do uống sữa Milo, Nutifood: Cần xem lại chất lượng sữa trong “Chương trình Sữa học đường”

Chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm học sinh hai địa phương Hậu Giang và Đồng Nai bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng sữa Milo và sữa NutiFood. Đáng nói việc học sinh uống hai sản phẩm này vì đây là sữa nằm trong “Chương trình Sữa học đường”.

Chương trình sữa học đường được Chính phủ phê duyệt nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội trong việc cho trẻ em uống sữa với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Ý nghĩa của chương trình sữa học đường rất lớn vì thế việc lựa chọn sản phẩm sữa đồng hành cùng với chương trình phải thận trọng đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm học sinh tại hai địa phương Hậu Giang và Đồng Nai bị ngộ độc sau khi uống sữa từ Chương trình Sữa học đường.

Hàng trăm học sinh ở hai địa phương Hậu Giang và Đồng Nai bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng sữa Milo và sữa NutiFood.

Mới đây nhất ngày ngày 2/3, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú nhận được tin báo có nhiều trẻ tại Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc (cùng đóng tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) bị ngộ độc thực phẩm sau khi uống sữa NutiFood.

Trung tâm đã huy động y bác sĩ, điều xe đến hiện trường, đưa 73 trẻ đi cấp cứu. Các cháu nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu. Sau khi được điều trị, đến 15h cùng ngày, gần 60 em đã xuất viện, số còn lại đang tiếp tục được theo dõi.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang -Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phú, trước khi mắc phải triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm, số học sinh này đã uống sữa NutiFood tại trường.

Nhiều học sinh bị ngộ độc, phải nhập viện sau khi uống sữa NutiFood.

Trước đó ngày 27/10/2017, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Thanh Giang – Phó giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, sáng cùng ngày trường Tiểu học Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) đã cho học sinh toàn trường uống sữa Milo của nhãn hàng Nestle.
Khoảng 30 phút sau khi uống sữa, hàng trăm em có hiện tượng nôn ói, đau bụng, chóng mặt và tiêu chảy…
Ngay sau đó Trường tiểu học Lái Hiếu, nhà trường ngay sau đó đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đưa học sinh có dấu hiệu ngộ độc đi cấp cứu. Số học sinh còn lại được giáo viên chủ nhiệm theo dõi tại lớp, đồng thời trấn an phụ huynh học sinh.
Theo ông Giang để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các cháu, đến 9h Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy khám sàng lọc 400 học sinh có dấu hiệu ngộ độc do sữa milo.

Về chương trình phát sữa milo cho học sinh theo ông Giang đây là chương trình thường niên của Nestle được tổ chức nhiều năm nay tại Hậu Giang.
“Sữa Milo cho các cháu uống nằm trong “Chương trình sữa học đường” được tổ chức nhiều năm nay do Nestle và Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức”, ông Giang cho hay.

Xe cấp cứu khẩn trương di chuyển các em học sinh tới trung tâm y tế do bị ngộ độc sữa trong Chương trình Sữa học đường.

Tháng 7/ 2016, chương trình Sữa học đường quốc gia chính thức được Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg. Trong đó Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, quy định về định mức và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Theo đó, sữa được sử dụng trong chương trình sữa học đường phải là sản phẩm sữa tươi, đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010. Sản phẩm sữa phải được bổ sung vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất theo nghiên cứu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia).

Thực tế, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng hiểu và áp dụng nội dung này khác nhau ở các địa phương. Nhiều tỉnh thành quyết định sử dụng sữa tươi cho chương trình nhưng không ít địa phương áp dụng có sự sai khác.

Trong đó nhầm lẫn đáng kể là nhầm giữa “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng” nên có tỉnh yêu cầu sản phẩm cung cấp cho chương trình là “sữa tiệt trùng”. Trong khi, loại sữa dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” là sản phẩm làm từ sữa bột pha, không phải sữa tươi.

Thiết nghĩ, nếu không làm chặt về quy chuẩn, tiêu chuẩn sữa tươi học đường theo quy định, mục tiêu Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt sẽ khó có thể đạt được.
Theo Congannhandan-Tintuc-Tieudung

Có thể bạn quan tâm