Hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân phổ biến gây tê và đau bàn tay, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt thường gặp ở những người làm việc văn phòng do đánh máy vi tính quá nhiều. Nữ giới thường mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Nguyên nhân và triệu chứng
Hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Dây thần kinh giữa này nằm trong ống cổ tay, có chức năng nhận cảm giác ngoài da của các ngón trỏ, ngón giữa và vùng gan bàn tay dưới hai ngón này.
Bên cạnh đó, dây thần kinh giữa này còn giúp co duỗi ngón tay cái. Khi cổ tay hoạt động liên tục, thường xuyên quá mức thường dẫn đến tình trạng hẹp ống cổ tay khiến dây thần kinh giữa bị kẹt, gây ra triệu chứng tê tay hoặc liệt tay.
Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là tê, đau bàn tay; Có cảm giác như châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón áp út; Cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai. Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng nặng hơn về phía ngón tay cái của bàn tay.
Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm. Ban ngày, triệu chứng thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì đó, như điện thoại hoặc khi đọc hay lái xe honda. Di chuyển hoặc lắc tay thường làm giảm các triệu chứng này.
Theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu và mất tinh tế như khó viết, khó cài khuy áo. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ ở gò cái bàn tay.
Những người dễ mắc hội chứng ống cổ tay là người thường xuyên sử dụng máy tính như nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, biên tập viên… Một số lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy dầm đường, máy cưa… cũng dễ mắc hội chứng ống cổ tay, yếu tố bệnh lý (đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp..), hầu hết không có nguyên nhân duy nhất.
Không phẫu thuật nếu điều trị sớm
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng ống cổ tay có thể thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp chẩn đoán mức độ nhẹ và trung bình, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị đơn giản như:
– Mang nẹp cổ tay khi khi ngủ vào ban đêm nhằm giữ cổ tay ở vị trí trung tính để tránh cổ tay bị cuộn tròn trong lúc ngủ.
– Ngâm tay nước muối ấm, xoa, mát xa vùng cổ tay và các ngón tay.
– Thay đổi hoạt động ở bàn tay để tránh các vị trí và cử động làm trầm trọng thêm triệu chứng.
– Đến bệnh viện vật lý trị liệu như tập nhúng sáp nóng, sóng siêu âm vùng cổ tay, xung điện trị liệu…
– Dùng các thuốc giúp giảm đau như kháng viêm Non-steroids, Vitamin B…
– Tiêm corticoid tại chỗ chèn ép thần kinh, có thể làm các triệu chứng mất đi trong một thời gian nhưng thường sẽ tái phát.
Trong trường hợp điều trị nội khoa không cải thiện hoặc đã có dấu hiệu teo cơ mô cái, kết quả đo EMG ở mức độ nặng, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc phẫu thuật (mổ hở hay mổ nội soi) để ngăn chặn tình trạng tổn thương thần kinh không hồi phục.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, cần giữ vệ sinh lao động đối với bàn tay: Tránh tư thế cầm nắm thường xuyên, tránh động tác lặp đi lặp lại gập duỗi cổ tay, không dùng chuột vi tính lâu, dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy…
Có thể uống Omega 3 làm tan mỡ, uống Vitamin B3 giúp lưu thông thần kinh tốt.
Bên cạnh đó, cần tập thể dục thư giãn cổ tay: Chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay, giữ vài giây. Tập giữa các giờ làm việc. Song song đó, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay: Gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân…
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Vụ cướp Agribank tại Thái Bình: 1 phút, 200 triệu, 8 người bị thương
Sabeco: Tòa triệu tập Chủ tịch và Tổng giám đốc vụ kiện “chai bia chỉ có một nửa”
Sabeco: Tòa triệu tập Chủ tịch và Tổng giám đốc vụ kiện “chai bia chỉ có một nửa”
Quần áo tù nhân: Tại sao lại thường mang thiết kế kẻ sọc đen-trắng?