Về trang chủ Chưa được phân loại Hiệp định thương mại tự do-FTA: Ký nhiều nhưng xuất khẩu chưa tương xứng tiềm năng

Hiệp định thương mại tự do-FTA: Ký nhiều nhưng xuất khẩu chưa tương xứng tiềm năng

Việt Nam đã thành công khi ký kết được nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng việc tận dụng lợi thế xuất khẩu (XK) thì quá chậm chạp, hiệu quả kém. Nhất là trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực.

Nhật Bản: Tuýt còi an toàn thực phẩm
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (JVEPA) là hiệp định tự do hóa thương mại song phương đầu tiên của Việt Nam, đến nay đã tròn 10 năm. Với JVEPA, năm 2018 này, thuế suất bình quân với hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8%, vài nghìn dòng thuế xuống 0%.

Cùng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Nhật Bản được đánh giá là thị trường XK tiềm năng của hàng Việt. Tuy nhiên trên thực tế, việc tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam chưa cao. Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tận dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ AJCEP và VJEPA được coi là chặt nhất trong số các FTA.

Do phát hiện Sulfadiazine, Nhật Bản đã tăng tần xuất kiểm tra 100% tôm Việt Nam từ ngày 6/12/2016 (trước đó tháng 9/2016, tần suất kiểm tra là 30%).

Theo TS.Võ Trí Thành -nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Trong AJCEP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng Việt chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều nước ASEAN, cũng như thấp hơn mức độ tận dụng trong các Hiệp định thương mại tự do khác: ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), FTA Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Mỹ….

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, trong JVEPA, Nhật Bản dành khá nhiều thuận lợi cho Việt Nam, nhưng chúng ta không tận dụng được. Ví dụ như mặt hàng tôm, thị trường Nhật Bản rất tiềm năng, tuy nhiên vì làm hời hợt nên một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị phía Nhật tuýt còi về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn tới việc kiểm tra và giám sát tất cả mặt hàng tôm nhập khẩu của Việt Nam.

Tại sao những DN của Việt Nam không cố gắng vượt lên, làm tốt hơn để đưa hàng hóa XK sang Nhật với giá trị cao, thay vào đó cứ muốn làm hàng tầm tầm, chất lượng thấp để bán sang Trung Quốc cho dễ. Với tư tưởng như vậy, DN Việt sẽ không bao giờ phát triển được.

Ông Đặng Văn Thái -Giám đốc Công ty Artex Gobelin, chia sẻ: Người Nhật Bản nhập gạo hương lài từ Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, nếu như gạo Campuchia XK với giá trên 850 USD/tấn, thì Việt Nam chỉ bán được giá 600-650 USD/tấn, do khác nhau về phương thức sản xuất. Các sản phẩm hữu cơ, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người Nhật sẽ được chào đón và trả giá cao.

Ký nhiều FTA nhưng chưa tận dụng được ưu đãi
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA, trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA, đã ký nhưng chưa có hiệu lực 2 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, và 3 FTA đang đàm phán.

Ông Lê Xuân Bá -nguyên Viện trưởng CIEM, thẳng thắn cho rằng dường như Việt Nam luôn trông chờ vào đối tác cho mình cơ hội, mà không thấy rằng nỗ lực của mình là quan trọng nhất, có lẽ vì thế chúng ta đã mất nhiều hơn được. Hàng hóa nước ngoài tấn công thị trường nội địa, trong khi hàng Việt vẫn chưa thể tận dụng được các ưu đãi mà FTA đem lại.

Lý giải cho điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Việt Nam ký nhiều FTA nhưng bản thân cải cách trong nước lại chậm trễ, dẫn tới DN Việt không tận dụng được cơ hội. DN chủ yếu quy mô nhỏ, khó có khả năng cạnh tranh. Do vậy, chúng ta cần tự xem xét lại mình và có nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ tới DN.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng CIEM, cho rằng muốn tận dụng được các cơ hội, trước hết phải cải cách trong nước. Cải cách theo hướng thị trường, sản xuất chất lượng hơn và thương mại tự do hơn. Nếu Nhà nước dẫn dắt, áp đặt từ trên xuống có thể đem đến thành tựu trước mắt, nhưng chắc chắn không bền vững về dài hạn.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường nông sản, giảm thuế cho các mặt hàng xưa nay bảo hộ cao. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng tỷ trọng XK nông sản vào Nhật Bản, đặc biệt là các mặt hàng giá trị gia tăng cao, nếu chất lượng đảm bảo.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Kiều Minh Tuấn hoàn cát xê, Dung Bình Dương không rút đơn kiện

Trí tuệ nhân tạo-AI: Hỗ trợ kiểm toán phát hiện gian lận chi phí

An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Kiều Minh Tuấn hoàn cát xê, Dung Bình Dương không rút đơn kiện

Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby

Có thể bạn quan tâm