Sản phẩm du lịch nông nghiệp (DLNN) rất phong phú: Du lịch ẩm thực đồng quê, nâng cao sức khỏe, học đường ( studing-tour ), chuyên đề , về cội …. Là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm du lịch rất hấp dẫn cho du khách.
Đặc sản Bắc-Trung-Nam
Năm 1986, loại hình DLNN lần đầu tiên được xuất hiện tại Việt Nam với mô hình du lịch sinh thái nông thôn gắn liền với sông nước, kênh rạch, miệt vườn… ở miền Tây Nam bộ. Ở đây, du khách được trực tiếp tham gia vào những công việc rất giản dị như lội ruộng, tát cá, trồng rau, chẻ nan, đan cót, tạo dáng cho sản phẩm gốm… để trải nghiệm làm nông dân, thợ thủ công.
Miền Bắc nổi tiếng với mô hình du lịch cây đa bến nước mái đình, xe trâu, thôn làng, đình chùa, hát chèo, thụ lộc, ra đồng mò cua, bắt ốc, gặt lúa, tắm giếng, cùng nấu nướng và thưởng thức bữa cơm đạm bạc, ngủ trên chõng tre…. Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Ninh Bình -làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, là một trong những điểm đến.
Miền Trung lại nổi tiếng với những nếp nhà tranh phủ khói lam chiều, thơm ngát hương hoa cau, những khu vườn đầy cây trái, những chiếc ghe chở đầy bắp mới bẻ còn thơm mùi sữa được các cô thôn nữ hối hả chèo về, các lò nấu bắp chỉ đỏ lửa khi màn đêm buông xuống. Thêm vào đó là những món ăn dân dã như hến trộn, hến xào xúc bánh tráng, bánh tráng đập chấm mắm nêm, chè bắp Cẩm Nam…. Điển hình là cồn Nam Ngạn thuộc thị xã Hội An, Quảng Nam.
Tây Nguyên nơi núi rừng hoang dã, có vắt cắn, có muỗi bay vo ve về đêm và có cảm giác săn bắn thật sự. Trâu nhà thả vào rừng sau khi cho du khách săn bắn được khiêng về, dựng nêu, đốt lửa nướng tại chỗ trong màu sắc, âm hưởng say đắm của văn hóa Tây Nguyên.
Ông Phạm Thế Triều -Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình DLNN. Từ năm 2007, An Giang được Tổ chức nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển DLNN và đã đạt được kết quả khá thành công.
Đồng Tháp có những chương trình du lịch theo chủ đề như: “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”….
Một số tuor điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: Mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội); Làng quê Yên Ðức (Quảng Ninh); Làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh); Nông trường Mộc Châu (Sơn La); Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam); Chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long….
Tiềm năng phát triển lớn
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 – 30%, trong đó, sản phẩm DLNN công nghệ cao đang được chú ý, đánh giá cao. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động DLNN đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân và đóng góp cho kinh tế địa phương.
Điểm đến thu hút du khách nhất gần đây là Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi) với diện tích 88ha, tập trung các hoạt động: Nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá kiểng; Đào tạo, chuyển giao và du lịch. Trong 3 năm qua, lượt khách du lịch đến đây tăng khoảng 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017).
Với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa như hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và môi trường xanh, môi trường thiên nhiên ở đồng quê, trải nghiệm lối sống và sinh hoạt truyền thống rất lớn, đặc biệt đối với người dân sống ở thành phố. Ngoài ra, thị trường khách du lịch học sinh, sinh viên cũng là một thị trường khách khá lớn đối với DLNN thông qua các chương trình, hoạt động du lịch học đường.
TS.Ngô Kiều Oanh -Giám đốc Trang trại Ðồng Quê Ba Vì, khẳng định: Lượng khách quan tâm tới DLNN sẽ ngày càng lớn bởi trong guồng quay đô thị hóa, một không gian sống thực và thoáng đạt mang tính đồng quê, với cộng đồng nông nghiệp làng xã ấm cúng luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách ở mọi lứa tuổi.
Để du lịch nông nghiệp bay xa
Tại các cuộc hội thảo bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển DLNN do Tổng cục Du lịch phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để DLNN khởi sắc.
Bàn về chất lượng sản phẩm, Ô.Phạm Thế Triều cho biết: “Nông dân quen với sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch. Do chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nên dịch vụ mở rộng còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nêu định hướng: “Giữa du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, phải dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn và có phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng rằng với nguồn lực, điều kiện, tiềm năng và xu thế phát triển hiện nay thì DLNN sẽ là lĩnh vực hoàn toàn có triển vọng trong tương lai”.
Đứng trên góc độ phát triển nông thôn mới, ông Nguyễn Minh Tiến -Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, nêu quan điểm: “Các địa phương cần rà soát, quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng, trong đó cần chú trọng quy hoạch phát triển DLNN phải gắn với chính sách phát triển nông thôn mới. Ngoài ra, cần giúp cho các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tăng cường quảng bá sản phẩm DLNN gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng của từng địa phương”.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn
Đồng Tháp: Đột phá với du lịch miệt vườn và sản vật đồng quê
Hoa Kỳ: Chấm dứt chuyện cấp quốc tịch cho trẻ sinh rớt-anchor baby
Du lịch Nhật Bản: Thưởng thức ẩm thực khó quên tại khách sạn 5 sao Four Seasons Kyoto