Về trang chủ Chưa được phân loại Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Chưa chắc giúp TPHCM hết ngập

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Chưa chắc giúp TPHCM hết ngập

Ông Nguyễn Tâm Tiến -Tổng Giám đốc CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư), nếu các dự án chống ngập theo quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch chưa được khơi thông, nước mưa không thoát kịp ra sông rạch thì dự án chống ngập 10.000 tỷ không phát huy hiệu quả….

Ngày 14/5, làm việc với Đoàn giám sát HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết: Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (còn gọi là quy hoạch 752). Nhiều công trình, dự án nạo vét cống, kênh rạch, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đô thị thực hiện theo quy hoạch này.

Tuy nhiên trước tình trạng biến đổi khí hậu – nước biển dâng, đến năm 2008, Chính phủ đã có Quyết định 1547 phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (quy hoạch 1547) với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TPHCM trong phạm vi vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận.

Cống kiểm soát triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng.

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 thuộc quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Cụ thể: Nếu trước đây triều cường đạt mức từ 1,5 m đến 1,7 m TPHCM sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, vùng diện tích 570 km² khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM không bị ảnh hưởng dù triều cường dâng cao đến 3 m (hiện nay đỉnh triều kỷ lục là 1,7 m).

Ông Nguyễn Tâm Tiến nói: Có nhiều người đặt câu hỏi dự án này hoàn thành thì thành phố có hết ngập không? Tôi xin khẳng định là có thể hết hoặc có thể không vì trong đô thị thực hiện các dự án thoát nước theo quy hoạch 752. Nước phải thoát ra ngoài kênh, sông được thì mới phát huy được hiệu quả dự án trị giá gần 10.000 tỷ đồng này.

“Nếu như cống nghẹt, nước ngập trong tuyến đường nào đó thì không thể đổ lỗi cho dự án. Nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Thoát nước ra kênh rạch trong thành phố được thì dự án mới phát huy hiệu quả bơm nước ra ngoài sông, giúp hạ mực nước trong kênh, rạch, hỗ trợ thoát nước trong nội đô” -ông Tiến khẳng định.

Thông tin của nhà đầu tư cung cấp làm Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ không yên tâm. Bà Lệ yêu cầu các cơ quan chức năng nói rõ hơn về hiệu quả dự án và sự kết nối với các công trình chống ngập trong nội đô đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng -Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), do những hạn chế của quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM (quy hoạch 752) trước đây nên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (1547) cho thành phố.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là một phần việc khi thực hiện quy hoạch 1547. Tuyến đê bao và hệ thống cống ngăn triều giúp hỗ trợ giữ mực nước kênh, rạch trong thành phố nằm trong vành đai.

Ban Quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật đang tham mưu cho TPHCM từng bước thực hiện hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng các khu vực trữ nước nhằm giải quyết bài toán thoát nước mưa, nước mặt, đồng bộ cùng công trình kiểm soát ngập do triều. Các dự án thuộc quy hoạch 1547 và quy hoạch 752 đang được triển khai song song, đồng bộ, đảm bảo tương hỗ, bổ trợ cho nhau.

“Ngoài nhiệm vụ kiểm soát triều, dự án chống ngập 10.000 tỉ còn giúp giảm mực nước, hỗ trợ thoát nước mưa. Tuy nhiên, TPHCM vẫn cần kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị tốt, đồng bộ thoát trong, bơm ngoài mới có thể giải quyết bài toán ngập cho TPHCM” -ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Trực -Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: Tình trạng ngập nước liên quan mật thiết đến vai trò và ý thức của người dân thành phố. Người dân cần nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh rạch.

“Sở sẽ tiến hành rà soát lại hệ thống cống thoát nước mà người dân, doanh nghiệp đấu nối trực tiếp ra sông và sẽ tiến hành điều chỉnh van cống để tránh hiện tượng nước trào ngược vào trong” -ông Trực cho hay.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, khối lượng thi công của dự án hiện nay đã đạt 76%. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Phần đê kè đã được điều chỉnh dịch chuyển, giảm số hộ phải đền bù xuống khoảng 50% (giảm 97 hộ so với 238 hộ theo dự kiến ban đầu) nhưng vẫn còn vướng một số tổ chức, hộ dân tại khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè.

“Nếu các quận, huyện bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 6/2019 thì nhà đầu tư cam kết cuối năm hoàn thành dự án” -ông Tiến cho hay.
Theo TPO

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Tái khởi động, hoàn thành cuối năm 2019

TP.HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2019

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Con dấu chữ ký của Trưởng đoàn giám sát không có giá trị

Đông-Xuân 2019: Các tỉnh phía Bắc ước đạt sản lượng trên 7,2 triệu tấn

Có thể bạn quan tâm