Về trang chủ Chưa được phân loại Đầu tư khâu chế biến: Tăng tốc cho mục tiêu top 10 thế giới

Đầu tư khâu chế biến: Tăng tốc cho mục tiêu top 10 thế giới

Trong bài phát biểu mới đây khi thăm Nhà máy Tanifood tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nhắc lại mục tiêu trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới.

Bớt hàng rào kỹ thuật, tăng giá trị nông sản
Ông Nguyễn Xuân Hồng -nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nhận định: Phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến, song nông sản Việt xuất khẩu khá hạn chế điểm này, nhất là chế biến sâu.

Hiện nay, nông sản Việt Nam xuất khẩu phải chịu 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Đối với an toàn thực phẩm, kiểm soát hóa chất rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Đây là rào cản có thể cản trở, hạn chế xuất khẩu nông sản Việt Nam vì yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước ngày càng tăng cao.

Xoài cát chu Việt Nam sản xuất, thu hoạch, sơ chế theo quy trình nghiêm ngặt đang được bày bán tại siêu thị Nhật Bản.

Tuy Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng theo ông Jeroen Pasman -Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty The Fruit Republic, để mở cửa thị trường vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật khác mà Việt Nam còn phải đàm phán.

Điển hình như chuối chưa xuất khẩu được sang Philippines, dừa chưa sang được Trung Quốc, hay nhiều rau quả chưa sang được Nhật Bản vì các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để gỡ được các hàng rào kỹ thuật đó.

Tuy nhiên, nếu nông sản chế biến thì sẽ vượt được 2 hàng rào kỹ thuật trên. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Khi đã chế biến thì sẽ không phải chịu kiểm dịch thực vật. Khi xuất khẩu sản phẩm tươi, các nước sẽ kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với nông sản chế biến, mức độ kiểm tra về an toàn thực phẩm sẽ không nghiêm ngặt như sản phẩm tươi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mối liên kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi và thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP… để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vấn đề mặt bằng, đất đai, xây dựng vùng chuyên canh….

Cần thêm nhiều nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, đầu tư cho chế biến sâu sẽ là bước đột phá để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản Việt. Việt Nam có thể xuất khẩu rau quả trong tầm tay 10 tỷ USD vào năm 2025. Nhu cầu đối với nông sản chế biến ngày càng tăng, dự báo đến năm 2021, thị trường trái cây chế biến trên thế giới sẽ đạt 317 tỷ USD.

Việt Nam hiện đã có khá nhiều sản phẩm rau quả chế biến như các loại trái cây dẻo, sấy, các loại nước trái cây…. Năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn được xây dựng sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực chế biến rau quả của Việt Nam.

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai là một trung tâm chế biến khép kín, từ việc thu mua nguyên liệu, chế biến sâu và hệ thống bán hàng trong nước cũng như xuất khẩu. Doanh thu hàng năm dự kiến là 1.500 – 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 70 -100 triệu USD.

CTCP Vinamit sắp tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô. Vinamit là đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây chế biến của Việt Nam sang các thị trường Mỹ và châu Âu như mít, chuối, khoai lang, khoai môn.

CTCP Lavifood vận hành Nhà máy chế biến sâu nông sản Tanifood, vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, là một trong những nhà máy chế biến rau-củ-quả lớn nhất Đông Nam Á. Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh về việc tái cơ cấu cây trồng trên diện tích khoảng 27.000ha. Với công suất 5.000 tấn nông sản/ngày, Lavifood dự kiến đạt doanh thu hàng trăm triệu USD/năm.

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng -Tổng giám đốc Lavifood, cho biết: Nhà máy này sẽ đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia trong chuỗi giá trị, góp phần nâng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, số nhà máy có quy mô ngàn tỷ đồng và áp dụng công nghệ hiện đại chưa nhiều. Vì vậy, để đưa Việt Nam trở thành là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và lọt vào tốp dẫn đầu, thì rất cần thêm nhiều nhà máy như thế.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy: Cả nước hiện có khoảng 7.600 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, chiếm 1% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Nếu tính cả DN nông nghiệp và DN lĩnh vực khác có đầu tư vào nông nghiệp, cả nước có khoảng 49.600 DN, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước.

Để có nhiều hơn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Thanh Hòa -Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng: Chính phủ cần có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến nông sản thực phẩm. Đây là lĩnh vực tiềm năng, chúng ta có thế mạnh về vùng nguyên liệu nhưng chưa tận dụng tốt.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn

Chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển

Nông sản vào EU: Chuẩn bị gì để đón EVFTA có hiệu lực ?

Xây dựng thương hiệu gạo: Thuyết phục thị trường nội địa 90 triệu người

Nhiệt điện than: Bài toán khó giữa hiệu quả kinh tế và sức khỏe con người

Có thể bạn quan tâm