Về trang chủ Chưa được phân loại Đầu tư công: Hiệu quả thấp vì dàn trải, không đúng trọng điểm và không đánh giá kết quả

Đầu tư công: Hiệu quả thấp vì dàn trải, không đúng trọng điểm và không đánh giá kết quả

Trong khi các nước chỉ tập trung phân bổ vốn vào những dự án lớn, có tính lan tỏa, còn ở Việt Nam thì mỗi tỉnh-thành đều có dự án, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng hiếm quốc gia nào có cách phân bổ giống Việt Nam.

Dự án cần vốn nhưng giải ngân thì chậm dần đều
Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả giải ngân vốn đầu tư: Năm 2016 đạt 84%, năm 2017 đạt 81,8%, năm 2018 đạt 88,12% kế hoạch của Quốc hội thông qua, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ rất thấp. Năm 2016 đạt 47,3%, năm 2017 đạt 41,7%.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai: “Nghị quyết 25 của Quốc hội đề cập đến một nguyên tắc cơ bản, đó là thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này còn rất nhiều khó khăn”.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Giai đoạn 2016 – 2018 mới giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được 45,7%, và giải ngân được 22%. Như vậy, việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm và đạt tỷ lệ thấp. Qua số liệu trên cho thấy, việc giao kế hoạch chậm và giải ngân không đạt yêu cầu đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

ĐB Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) nêu ý kiến: “Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, dự án cần tiền không được đầu tư, dự án được đầu tư lại không có khả năng giải ngân đồng tiền đó. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong ba năm qua lại có xu hướng chậm dần đều. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã nhiều lần họp, chỉ đạo quyết liệt và ra nhiều văn bản thúc đẩy nhưng tình hình cũng không được cải thiện”.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Cần phân tích rõ nguyên nhân việc giao kế hoạch vốn chậm và giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch, đồng thời rà soát lại những hạn chế, bất cập đối với các luật, các quy định của pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư và đầu tư công để xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục tình trạng như hiện nay”.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích: Tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ, tuy nhiên tương đương với số vốn này thì số dự án là không nhỏ, với 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn, đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều địa phương.

Cần đánh giá kết quả thực hiện dự án
Đề cập tính hiệu quả của các dự án, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu: Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Hiện nay, chúng ta chưa có câu trả lời chính xác. Tại Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm đã đề cập đến một nguyên tắc cơ bản, đó là thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này còn rất nhiều khó khăn”.

ĐB Hoàng Văn Cường: “Dự án cần tiền không được đầu tư, dự án được đầu tư lại không có khả năng giải ngân. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng chậm dần đều”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với phân tích của ĐB Vũ Thị Lưu Mai về vấn đề đầu ra của dự án. Ông nói: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai là báo cáo chưa nêu được cụ thể đầu tư công. Nguyên nhân, giải pháp xử lý, tỉnh nào, doanh nghiệp nào tốt và doanh nghiệp nào chưa tốt. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm, làm bài học cho tổ chức quản lý và hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn như thời gian qua”.

ĐB Phương đề xuất Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu, số lượng kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công trong thời gian sắp tới.

Để không phải tranh cãi “xây nhà hát hay trường học”
ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề xuất 3 giải pháp: 1/Hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; 2/Lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư; 3/Cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát.

ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng cần giải quyết hai vấn đề cơ bản. Đó là sớm xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư. Nếu chúng ta có được bộ tiêu chí này thì chúng ta sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án không có khả năng giải ngân, và chắc chắn không còn tình trạng tranh luận như thời gian vừa qua là xây dựng nhà hát hay trường học, bệnh viện ở Thủ Thiêm.

Cần phải thay đổi quy trình triển khai, thực hiện một dự án đầu tư theo hướng đơn giản hóa, rõ ràng và nhấn mạnh quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư là phải chịu trách nhiệm khi xảy ra những thất thoát, lãng phí.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Tạm nhập-tái xuất: Nguy cơ Việt Nam thành trạm trung chuyển hàng nông sản né thuế

Phú Quốc: Cáp treo lơ lửng, khách hoảng loạn kêu cứu giữa trời

Vụ máy bay Lion Air rơi ở Indo: Một hành khách thoát chết nhờ tắc đường

Có thể bạn quan tâm