Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Năm 2018, toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu (XK) cao. Tuy nhiên, kết quả không được trọn vẹn vì riêng khu vực cây công nghiệp giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, như cao su, hạt tiêu, điều, mía… Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã nhìn thấy từng cây, từng đối tượng, ngành hàng có những điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu từng bước khắc phục.
Hồ tiêu
Năm 2018, XK tiêu hạt ước đạt 232.000 tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 32,2% về giá trị so với năm 2017. Về dài hạn, ngành hồ tiêu vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhưng Bộ Công Thương cho rằng: Để nâng cao giá trị, phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…. Đồng thời, cần chế biến chuyên sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển thần tốc của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị XK hơn 1 tỷ USD/năm 2017 mà đến nay vẫn chưa có giống tiêu nào được công nhận là không thể chấp nhận được.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Giảm diện tích ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn… vì thế không nên phát triển ồ ạt diện tích, sản lượng.
Về sản xuất, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết chuỗi, đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững. Nếu không liên kết, các doanh nghiệp cũng sẽ không thể tồn tại được. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam phải nâng cao vai trò đối với sự phát triển của hồ tiêu Việt Nam và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cà Phê
Năm 2018, giá XK bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.883USD/tấn, giảm 15,7% so với năm 2017. Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2019, XK cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cà phê toàn cầu ở mức thấp, lượng cà phê XK có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do sản lượng giảm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết sản phẩm cà phê XK sẽ tiếp tục đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao với nhiều yêu cầu mới về môi trường.Ngoài ra, cà phê Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường quốc tế khi các quốc gia khác không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng.
Do đó ngành cà phê cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững, nhất là triển khai tốt chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện tái canh (vốn tín dụng, kỹ thuật, tiêu chuẩn, kết nối thị trường).
Bên cạnh đó, ngành cà phê cần rà soát lại các vùng sản xuất, khuyến khích các vùng sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn, đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị, phục vụ thị trường XK và thị trường trong nước.
Ông Lương Văn Tự -Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, kiến nghị: “Chính phủ cho chủ trương tái canh là công việc thường xuyên khi cà phê đến tuổi. Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cho nông dân trồng cây che bóng và xen canh không quá 90 cây ăn quả trong 1ha cà phê. Theo thống kê, ngoài 120.000ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh, nay lại có thêm 100.000ha đến thời kỳ tái canh”.
Hạt điều
Với ngành điều, giá trị kim ngạch XK trong năm 2018 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng nhưng giảm 3% về giá trị so với 2017. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 300.000ha điều, sản lượng trung bình 350.000-400.000 tấn điều thô, chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu chế biến trong nước. Do vậy, hàng năm, các nhà máy chế biến điều phải nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn điều thô từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là châu Phi.
Tại Hội nghị ngành điều cả nước tổ chức tại Bình Phước hồi cuối năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trăn trở với câu hỏi: Người trồng điều vì sao chưa thể làm giàu? Trong khi giá trị xuất khẩu vượt mốc 3,5 tỷ USD/năm, điều này cho thấy đây là ngành hàng có giá trị rất lớn, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Dù đã hình thành được công nghiệp chế biến hạt điều nhưng mới chỉ tạo ra được hạt điều sạch, điều trắng, còn sản phẩm mang giá trị gia tăng sâu hơn thì chưa làm tốt. Trong khi đó, khâu sản xuất-chế biến mới chiếm giá trị khoảng 45-50%, còn phân khúc chế biến sâu và tổ chức phân phối hàng hóa chiếm tương đương 50% thì Việt Nam chưa làm được. Điều này dẫn đến hiệu quả tổng thể chưa cao, đây là nút thắt cần được tháo gỡ.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: 1/Từ nay đến năm 2030, không tăng về diện tích, chỉ giữ ở mức 300.000 ha, phải tăng năng suất lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian ngắn nhất trên cơ sở xây dựng quy trình sản xuất theo phương thức sạch hữu cơ và tiến tới hữu cơ.
2/Tập trung vào chế biến sâu hơn, xuất khẩu sản phẩm giá trị sâu hơn, kèm theo đó phải xây dựng được những thương hiệu mạnh, tổ chức lại sản xuất công nghiệp, lựa chọn những nhà đầu tư đủ tiềm lực về tài chính, có khát vọng xây dựng được những thương hiệu mạnh để đảm bảo chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao hơn.
3/Hình thành chuỗi sản xuất khép kín, sản xuất liên kết chặt với chế biến và thương mại. Doanh nghiệp phải liên kết chính quyền, với bà con nông dân với phương thức hình thành các hợp tác xã.
Phạm Phù Cát -Langmoi.vn
CPTPP chính thức có hiệu lực: Ngành nào hưởng lợi, ngành nào chịu thách thức ?
Thái Lan: Trục xuất Chuyên gia kích dục tuyên bố nắm bí mật bầu tổng thống Mỹ
Đài Loan: Thấy dáng người kỳ dị, cảnh sát kiểm tra thì thấy…24 con chuột trong váy