Công thức chung để gia tăng giá trị và tạo được thương hiệu cho nông sản thực phẩm: Ứng dụng công nghệ mới + Tạo vùng nguyên liệu ổn định + Bí quyết riêng của nhà sản xuất.
Những thương hiệu thành công
Tiêu Bầu Mây là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đã đạt chứng nhận quốc tế GlobalGAP nông sản hữu cơ. Có thể xem đây là một điển hình về hướng đi mới của DN Việt nhằm mang lại giá trị cao cho nông sản thực phẩm. Giá bán 15 triệu đồng/kg tại thị trường Việt Nam, 22 triệu đồng/kg tại Nhật Bản nhưng cung không đủ cầu.
Ông Lâm Ngọc Nhâm -Chủ tịch HĐQT HTX Bầu Mây, cho biết đối tác Nhật đang tiếp tục đặt hàng loại “tiêu xanh muối” với sản lượng 1,5 tấn/ tháng. Xa hơn, nhà nhập khẩu Nhật Bản đề xuất công ty có thể cung cấp cho họ khoảng 1.000 tấn/năm.
Với thông điệp “Vedan -Tự hào tạo nên hương vị món ngon”, CTCP hữu hạn Vedan Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong dựa trên nền tảng công nghệ sinh học tiên tiến, tạo ra các sản phẩm chất lượng là trợ thủ đắc lực cho việc nấu ăn, nhằm đem đến bữa cơm ngon cho hàng triệu gia đình Việt.
Qua 27 năm phát triển tại Việt Nam, Vedan đã và đang trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu ở lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ lên men sản xuất axit amin, chất điều vị thực phẩm và sản phẩm tinh bột. Tại Vietnam Foodexpo 2018, Vedan Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới đặc sắc: Lẩu hải sản Việt Nam, lẩu kim chi Hàn Quốc, lẩu Shabu Shabu Nhật Bản, lẩu chua cay Thái.
Ngoài ra, tại Vietnam Foodexpo 2018 còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia và nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong ngành như: Đường Quảng Ngãi, SATRA, TH, Lương thực Tiền Giang (Tigifood), Lương thực Đồng Tháp, Cà phê Phúc Sinh, Vissan, Thủy sản Quảng Ninh, PAN Group, Dừa Lương Quới, Yến sào Nha Trang, Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Thực phẩm Phú Thịnh, XNK Sa Giang, Dừa Bến Tre, Thực phẩm Đức Việt, Thực phẩm Thiên Hương….
Những nhà sáng tạo công nghệ đã sẵn sàng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Công nghệ là nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm thời gian qua. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cũng giúp đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản và giúp DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản -Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khi ở ngưỡng cửa Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ blockchain, chìa khóa của chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ trong nông sản thực phẩm không còn là chuyện lý thuyết xa vời nữa, mà cần đến với từng nông dân và từng người tiêu dùng.
Về việc truy xuất nguồn gốc trong nông sản thực phẩm, bà Đặng Thị Phương Ninh -Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), cho biết: Có điều thú vị là thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của những nông dân trẻ có kiến thức tốt trong làm nông nghiệp để cùng tham gia trồng trọt. Đây chính là thuận lợi cho Công ty trong việc truy xuất nguồn gốc.
Ông Vũ Trường Ca -CTCP công nghệ Lina Network, khẳng định: “Công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi. Các giao dịch có thể được giám sát hiệu quả, nhờ đó có thể ngăn chặn việc tước đoạt giá, đồng thời loại bỏ các khâu trung gian và giảm phí giao dịch.
Để đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0, CTCP kết nối thanh toán Toàn Cầu (GPC) đã cho ra mắt ứng dụng blockchain cho phép truy xuất nguồn gốc nông sản, kết hợp với hợp đồng thông minh và khả năng thanh toán bảo mật kết nối qua Sàn thương mại điện tử http://www.gcaeco.com/.
Đây là sàn thương mại điện tử nông-thủy-hải sản-thực phẩm đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, là kênh bán hàng giúp người bán dễ dàng tìm kiếm và kết nối với người mua tại Việt Nam và quốc tế.
Vùng nguyên liệu: Bài toán khó hiện nay
Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải Cofidec đã sáng tạo cách riêng để xây dựng vùng nguyên liệu. Để nhà máy chế biến nông thủy hải sản đạt công suất 7.000-8.000 tấn/năm, giải pháp quan trọng hàng đầu của Cofidec là phải tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài. Quản lý nguyên liệu đầu vào trên cơ sở những tiêu chuẩn do khách hàng đưa ra, Cofidec đã ký hợp đồng với nông dân, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Không chỉ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các hộ nông dân sản xuất nguyên liệu nhỏ lẻ vốn có ký kết từ trước, Công ty còn chú trọng tìm kiếm, liên kết với các HTX, các công ty nông nghiệp có diện tích canh tác lớn hoặc các hộ nông dân có diện tích canh tác, nuôi trồng từ 1ha trở lên.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản: Việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về mặt thể chế, chúng ta đã tháo gỡ. Hiện nay, theo thống kê có khoảng hơn 40 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ và các cấp của Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Khi vận hành các khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ. Mặt khác, việc truy xuất nguồn gốc an toàn nông sản thực phẩm còn nhiều băn khoăn, nhất là làm sao để tăng nhận thức từ nhà sản xuất, từ nông dân. Điều này đòi hỏi sự gắn kết giữa DN với nông dân cần chặt chẽ hơn.
Ông Trương Minh Hoàng -Uỷ viên Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng: “Nếu các địa phương không ngồi lại với nhau, không tổ chức liên kết thì sẽ không thể thành công. Bên cạnh đó là vai trò của người nông dân, phải mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Nông dân phải sẵn sàng thích ứng với quy hoạch, sẵn sàng liên doanh liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hiện đại thì các doanh nghiệp mới dám chấp nhận mạo hiểm, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp”.
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn
Địa ốc Hoàng Quân: Khách hàng khởi kiện vì không được giao nhà
Đồng Tháp: Trình diễn thiết bị bay không người lái-UAV phun thuốc bảo vệ thực vật
Trí tuệ nhân tạo-AI: Hỗ trợ kiểm toán phát hiện gian lận chi phí
Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm tai tiếng: Cần phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, xử lý