Sáng 18/3/2019, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác Mekong-Lan Thương và các cơ hội hợp tác khu vực.” Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) diễn ra vào cuối tháng 3 hàng năm.
Đây là dịp để các nước quảng bá, nâng cao hiểu biết người dân về cơ chế hợp tác này, qua đó tìm hiểu khả năng thúc đẩy hợp tác khu vực và triển vọng Hợp tác Mekong-Lan Thương trong tương lai. Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, đại diện các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu tại Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam và Trung Quốc.
Hội thảo lần này là dịp để Học viện Ngoại giao và Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, với vai trò là đại diện Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong của hai nước, trao đổi các ý kiến đóng góp nhằm đưa hợp tác trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào chiều sâu và ổn định hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định trong 3 năm kể từ khi thành lập cho đến nay, Hợp tác Mekong-Lan Thương đã có nhiều hoạt động tích cực, đưa Hợp tác từ giai đoạn khởi động sang giai đoạn phát triển mới.
Việt Nam luôn coi trọng và đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng khuôn khổ hợp tác ngay từ những ngày đầu thành lập với nhiều ý tưởng hợp tác được đề xuất. Tiếp nối tinh thần đó, ông Nguyễn Văn Thảo hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội kết nối các chuyên gia về Mekong, đưa ra các sáng kiến thiết thực, góp phần định hướng hoạt động của Hợp tác Mekong-Lan Thương trong tương lai.
Tại phiên khai mạc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, ông Hùng Ba khẳng định sự kết nối chặt chẽ về địa lý, kinh tế, văn hóa của sáu nước thành viên Hợp tác Mekong-Lan Thương trên dòng sông Mekong-Lan Thương.
Đại sứ chia sẻ, kể từ khi thành lập cho đến nay, Hợp tác Mekong-Lan Thương đã vững bước từ sáng kiến thành hiện thực với nhiều hoạt động tích cực về hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng, trao đổi văn hóa, giáo dục, y tế…, hướng tới các mục tiêu cởi mở, chân thành, bình đẳng, bao trùm, hỗ trợ lẫn nhau.
Đại sứ Hùng Ba cũng đánh giá Việt Nam có vai trò quan trọng không thể thiếu trong Hợp tác Mekong-Lan Thương với nhiều tiềm năng hợp tác về sản xuất, nông nghiệp, quản lý nguồn nước…
Tại phiên thảo luận, diễn giả cùng các đại biểu tham dự Hội thảo trình bày và thảo luận về các khía cạnh khác nhau của Hợp tác Mekong-Lan Thương như hợp tác kinh tế, nguồn nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác.
Các diễn giả cho rằng việc xây dựng và triển khai Hợp tác Mekong-Lan Thương có nhiều thuận lợi do khu vực sông Lan Thương-Mekong đã quy tụ nhiều cơ chế hợp tác phát triển, có nền tảng về thông tin, nghiên cứu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, các nước thành viên trong khu vực đều có nhu cầu hợp tác phục vụ phát triển.
Tuy nhiên, quá trình triển khai và sự phối hợp của Hợp tác Mekong-Lan Thương và các hợp tác khu vực còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đa dạng về nguồn vốn, chưa có cơ chế cụ thể triển khai hợp tác về nguồn nước và các nguyên tắc cơ bản về sử dụng nguồn nước, chưa có sự kết nối giữa Hợp tác Mekong-Lan Thương với các cơ chế hiện có.
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả nguồn nước bởi đây là vấn đề xuyên suốt, ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân, môi trường cũng như các lĩnh vực hợp tác khác. Việc nâng cao hiệu quả hợp tác Hợp tác Mekong-Lan Thương trong các lĩnh vực trên được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế bền vững ở khu vực trong thời gian tới.
Theo Vietnamplus
Người sản xuất nước mắm: Chúng tôi không muốn bị đánh đồng với hàng nhái
https://eltimes.vn/hoan-cau-trong-con-bao-tranh-chap-tai-san-namabank-dat-muc-tieu-len-hose-nam-2019/
Tỷ phú ngủ với 10.000 phụ nữ: Trả tiền khủng để kiếm chồng cho con gái đồng tính
Brazil: Đầu tư 20 triệu, thu về gần 1 tỷ USD từ lễ hội Carnival Rio de Janeiro