Trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện kêu thiếu nguồn cung, nhập khẩu than vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh so với năm ngoái.
Nhu cầu tăng đột biến
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết đã xây dựng kế hoạch năm 2018 với mức tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó, than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng mạnh trong bối cảnh tăng trưởng điện đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng.
Cụ thể, tiêu thụ than trong 11 tháng đầu năm nay của TKV đạt 37,39 triệu tấn, bằng 103,9% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong 11 tháng đạt 26,9 triệu tấn, tương đương 103% kế hoạch cả năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Với tình hình tiêu thụ như hiện nay, TKV dự kiến sản lượng tiêu thụ của cả năm 2018 sẽ đạt 40 tiệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm. Trong đó, than cho điện sẽ tăng 5,4 triệu tấn so với năm ngoái lên 29 triệu tấn. Mức tăng này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than của TKV.
Nhu cầu mua than từ trong nước cao hơn một phần khác do giá than thế giới cao hơn than sản xuất trong nước từ 5 – 10 USD/tấn, theo TKV. Số liệu trên Trading Economics cũng cho biết, giá than thế giới tăng vọt lên đỉnh gần 6 năm vào khoảng cuối tháng 7, từ đáy một năm được ghi nhận vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, giá mặt hàng này có xu hướng giảm mạnh kể từ đầu tháng 10 và chốt phiên 28/11 ở 99,9 USD/tấn.
Cũng theo TKV, không chỉ các ngành điện tăng tiêu thụ, các ngành sản xuất xi măng, hóa chất, thép cũng chuyển sang mua than từ TKV. Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch.
Trước tình hình này, TKV ngày 23/11 đã có công văn gửi EVN về việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, theo thông tin từ Báo Pháp luật TP HCM. Cụ thể, từ ngày 5/12/2018, giá bán than cho điện tăng khoảng 2,3% – 5,8%.
Nhập khẩu tăng vì thiếu cung trong nước?
Trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện kêu thiếu nguồn cung, nhập khẩu than vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh so với năm ngoái. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi gần 2,05 tỷ USD để nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than các loại trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 48,8% về khối lượng và 71,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
tháng đầu năm, nhập khẩu than tăng mạnh và đạt đỉnh hơn 2,45 triệu tấn vào tháng 5. Từ tháng 6, nhu cầu nhập khẩu bắt đầu giảm do giá than thế giới lên cao. Đến những tháng cuối năm, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu mặt hàng này trở lại dù giá thế giới giữ ở mức cao so với đầu năm.
Về nguồn cung, quốc gia cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay là Indonesia với giá nhập khẩu trung bình 73,6 USD/tấn. Indonesia chiếm 50% lượng than nhập khẩu về Việt Nam. Đứng thứ hai là Australia với 26%.
Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung than đắt đỏ nhất. Việt Nam đã chi hơn 255 triệu USD để nhập khẩu gần 750.000 tấn than Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay, tương đương mức giá trung bình là 343,8 USD/tấn.
Nhập khẩu than sẽ tiếp tục tăng?
TKV dự báo nhu cầu tiêu thụ than của các ngành sản xuất trong nước đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Theo tính toán của EVN, riêng nhu cầu than cho ngành điện là 38,3 triệu tấn. TKV dự kiến kế hoạch tiêu thụ than năm 2019 là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện là 31,9 triệu tấn, bao gồm cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn.
Về sản lượng, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Đối với phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các bên tiêu thụ.
Chia sẻ tại Hội thảo “Thị trường than mới nổi châu Á” được tổ chức hồi đầu tháng 11, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết nhu cầu than cho phát điện sẽ liên tục tăng vì nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng trưởng với tổng công suất có thể đạt 26.000 MW đến năm 2020. Theo ông Hải, bên cạnh nhu cầu than nội địa, lượng than nhập khẩu cũng sẽ tăng cao khi các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu sẽ đi vào vận hành, như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Quảng Trạch 1…
Cũng theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới, nhu cầu tiêu thụ than tại châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Đông Nam Á, sẽ tăng trưởng mạnh cho tới năm 2040.
Trong khi đó, theo dự đoán của nhóm chuyên gia phân tích tại Citibank, thị trường than nhiệt thế giới sẽ dần chuyển từ trạng thái thâm hụt sang dư thừa trong 5 năm tới, chủ yếu do châu Âu, Trung Quốc giảm nhập khẩu, trong khi Indonesia và Australia tăng cường đẩy hàng ra thị trường.
Nhu cầu trong nước ngày càng tăng trong khi nguồn cung thế giới dồi dào có thể kích thích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá than nhập khẩu từ hầu hết quốc gia cung cấp than lớn cho Việt Nam vẫn đang cao hơn giá than thế giới hiện nay.
Giá nhập khẩu than trung bình 10 tháng đầu năm nay vào khoảng 118USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá than thế giới hiện nay là gần 100USD/tấn.
Theo Thegioihoinhap
Đà Nẵng: Trao quyết định đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện máy bay 170 triệu USD
Bộ Công thương: Cảnh báo hàng ngoại mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng miễn thuế từ FTA
Vụ Quý bà được đón tại chân máy bay: Thứ trưởng Bộ Công Thương lên tiếng
Bình Dương: Đậu xe giữa đường nghe điện thoại, gây tai nạn nguy kịch